Loại cây quen thuộc ở chợ Việt chứa nhiều loại hợp chất được chứng minh có khả năng chống lại các tế bào ung thư tiềm ẩn
(Thị trường tài chính) - Tại Việt Nam, loại cây này trồng ở khắp nơi, được người dân dùng như gia vị và làm thuốc.
Tía tô (Perilla frutescens) là loại cây thảo mộc quen thuộc trong nhiều nền văn hóa châu Á, đặc biệt tại Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cây thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae), không chỉ là nguyên liệu ẩm thực mà còn được xem là thảo dược quý trong y học cổ truyền. Tại Việt Nam, tía tô được trồng ở khắp nơi, người dân dùng tía tô như một loại gia vị và làm thuốc. Loại cây này dễ trồng, phát triển nhanh và thường được thu hoạch quanh năm.
Tía tô là loại cây thảo mộc quen thuộc trong nhiều nền văn hóa châu Á
Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ôn, đi vào hai kinh phế và tỳ. Loại cây này được biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh như phát tán phong hàn, lý khí khoan hung (giảm cảm giác tức ngực), giải uất (giảm căng thẳng), hóa đờm, an thai và giải độc từ cá, cua. Lá tía tô (tô diệp) thường được sử dụng để làm ra mồ hôi, chữa ho, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau, giải độc, và điều trị cảm mạo. Ngoài ra, lá tía tô còn giúp giảm triệu chứng ngộ độc như nôn mửa, đau bụng do ăn phải hải sản không đảm bảo.
. Tại Việt Nam, tía tô được trồng ở khắp nơi
Cành tía tô (tô ngạnh) được sử dụng chủ yếu để an thai, trong khi quả tía tô (tử tô tử) có tác dụng chữa ho, giảm đờm, hỗ trợ điều trị hen suyễn và bệnh tê thấp. Liều lượng sử dụng thông thường như sau: lá và hạt dùng 5-15g mỗi ngày, còn cành dùng 15-30g mỗi ngày, thường dưới dạng thuốc sắc.
Ngoài các tác dụng trong y học, tía tô còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác. Tại Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, dầu hạt tía tô được sử dụng trong sản xuất vecni, trang trí đồ sứ và chế biến thực phẩm, nhờ vào đặc tính tự nhiên và giá trị kinh tế của loại cây này.
Theo Bệnh Viện Đa khoa MEDLATEC, một lượng lớn luteolin, axit rosmarinic và triterpene trong lá tía tô đã được chứng minh có khả năng chống lại các tế bào ung thư đang tiềm ẩn bên trong cơ thể.
Cả tía tô tím và xanh đều chứa một hợp chất gọi là acid tormentic với tiềm năng kháng ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tía tô chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, nguyên nhân chính gây tổn thương tế bào và dẫn đến ung thư. Do đó, việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, bao gồm tía tô, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư theo CTTĐT Sở Y tế Nghệ An.
Chính vì điều này, nhiều người truyền tai nhau rằng lá tía tô có thể phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng này rất đáng khích lệ, nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu để xác nhận và chứng minh hiệu quả thực sự của tía tô trong việc phòng và chữa ung thư. Vì vậy, việc sử dụng tía tô nên kết hợp với các phương pháp điều trị y tế hiện đại và theo sự hướng dẫn của chuyên gia.
Việc sử dụng tía tô nên kết hợp với các phương pháp điều trị y tế hiện đại và theo sự hướng dẫn của chuyên gia
Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng cả tía tô tím và xanh đều chứa một hợp chất gọi là acid tormentic với tiềm năng kháng ung thư. Hợp chất này được cho là có khả năng ức chế sự hình thành tế bào ung thư, giảm tổn thương oxy hóa DNA và ngăn chặn sự nhân lên của các tế bào ung thư, đặc biệt trong các nghiên cứu về ung thư đại tràng và ung thư gan.
Dầu hạt tía tô cũng là một nguồn dinh dưỡng quý giá, giàu các acid béo thiết yếu
Ngoài ra, dầu hạt tía tô cũng là một nguồn dinh dưỡng quý giá, giàu các acid béo thiết yếu như acid α-linolenic (54-64%) và acid linoleic (14%). Các acid béo này không chỉ có tác dụng điều hòa cholesterol trong máu mà còn hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Tía tô không chỉ là một loại thảo mộc quen thuộc trong ẩm thực mà còn là nguồn tiềm năng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt về khả năng phòng ngừa ung thư và cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về những lợi ích này.