HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Loại cây 'báu vật' giúp Việt Nam mang về hơn 1 tỷ đô, các cường quốc trên thế giới liên tục 'chốt đơn'

Như Ý

(Thị trường tài chính) - Loại cây này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người dân mà còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở nước ta.

Hồ tiêu không chỉ là cây trồng quan trọng mà còn là một trong những "trụ cột" trong các mặt hàng nông sản Việt Nam. Việt Nam có vị thế là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn hai thập kỷ qua. Mặt hàng này đã góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người dân nhiều địa phương khác nhau.

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 18.493 tấn hồ tiêu các loại, mang về tổng kim ngạch 120,2 triệu USD. Mặc dù giá xuất khẩu bình quân tiêu đen giảm nhẹ 28 USD/tấn, đạt 6.284 USD/tấn nhưng giá tiêu trắng lại tăng 191 USD/tấn, đạt 8.029 USD/tấn.

Tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen chiếm ưu thế với 193.892 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân của cả tiêu đen và tiêu trắng đều tăng mạnh, lần lượt đạt 4.971 USD/tấn và 6.626 USD/tấn.

Loại cây 'báu vật' giúp Việt Nam mang về hơn 1 tỷ đô, các cường quốc trên thế giới liên tục 'chốt đơn' - ảnh 1Đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu. Ảnh: Internet

Nước ta được coi là "thủ phủ" hồ tiêu, cung cấp mặt hàng này cho rất nhiều thị trường khác nhau. Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với 62.553 tấn, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam tại thị trường này rất lớn.

Bên cạnh đó, các thị trường như UAE, Đức và Hà Lan cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam, lần lượt đạt 14.540 tấn, 13.737 tấn và 9.295 tấn, tăng trưởng lần lượt là 45%, 77,2% và 41,2%. Mặc dù đứng thứ 6 trong danh sách các thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, Trung Quốc lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng nhập khẩu, chỉ đạt 9.252 tấn, giảm tới 84% so với cùng kỳ năm trước.

Quý III/2024 chứng kiến mức giá hồ tiêu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt trong hai tháng cao điểm là tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, sang tháng 10, giá hồ tiêu lại có xu hướng giảm do áp lực bán ra để giải quyết nhu cầu thanh khoản.

Loại cây 'báu vật' giúp Việt Nam mang về hơn 1 tỷ đô, các cường quốc trên thế giới liên tục 'chốt đơn' - ảnh 2
Hồ tiêu là một loại gia vị quen thuộc, lại có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Internet

Ngành hồ tiêu Việt Nam đã có một bước đột phá ngoạn mục khi đạt mốc 1 tỷ USD xuất khẩu chỉ sau 9 tháng năm 2024, đánh dấu lần đầu tiên sau 10 năm điều này xảy ra. Con số này dự kiến còn tăng lên 1,3 tỷ USD vào cuối năm, tạo nên một kỷ lục mới.

Dự báo vào đầu năm 2025, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh, kết hợp với việc nguồn cung toàn cầu vẫn chưa phục hồi sau vụ thu hoạch của Indonesia sẽ tạo ra một thị trường đầy tiềm năng cho hồ tiêu Việt Nam khi bước vào vụ thu hoạch mới. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Hồ tiêu là "vàng đen" của nhiều vùng quê, không chỉ là gia vị làm đậm đà hương vị các món ăn mà còn là "trụ cột" kinh tế của nhiều hộ gia đình. Nhờ thu nhập từ hồ tiêu, cuộc sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để loại cây phát huy hết tiềm năng của mình, chúng ta cần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và phát triển bền vững. Chỉ có như vậy, hồ tiêu mới có thể tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.