HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Láng giềng Việt Nam phóng tên lửa để ‘hô mưa, gọi gió’: Tăng lượng mưa khoảng 39,8 tỷ tấn, giảm hơn 49 nghìn tỷ thiệt hại

Manh Lan

(Thị trường tài chính) - Sau hơn 60 năm phát triển, công nghệ điều chỉnh thời tiết nhân tạo của quốc gia này đã phát triển vô cùng nhanh chóng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hạn hán ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã tăng cường áp dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết, đặc biệt là việc phóng tên lửa nhằm kích thích mưa nhân tạo. Những hoạt động này không chỉ giúp bổ sung lượng nước cần thiết cho các khu vực khô hạn mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, giảm thiệt hại kinh tế và duy trì cân bằng sinh thái. 

Vào lúc 22h23 ngày 18/3/2023, tại huyện Phủ Thuận, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, một loạt hoạt động tăng cường mưa nhân tạo đã được triển khai. Dưới sự chỉ huy của Lý Hồng Quý, hai quả tên lửa tăng cường mưa nhân tạo đã được bắn lên từ bệ phóng đặt tại đường Đông Hồ, băng qua bầu trời đêm. Âm thanh trầm đục của vụ nổ vang lên, và chỉ bốn phút sau, những giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi xuống khu vực Phủ Thuận. Đây là thành quả của một quy trình phức tạp, từ việc phân tích tình hình thời tiết đến chuẩn bị thiết bị và giám sát chặt chẽ quá trình phóng.

Chưa dừng lại ở đó, vào lúc 23h48 cùng ngày, hai quả tên lửa nữa tiếp tục được phóng lên bầu trời. Mỗi lần phóng, chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một phút, nhưng để có được những lần phóng hiệu quả này, đội ngũ vận hành phải chờ đợi suốt nhiều ngày, theo dõi sát sao tình hình thời tiết và điều kiện đám mây.

Láng giềng Việt Nam phóng tên lửa để ‘hô mưa, gọi gió’: Tăng lượng mưa khoảng 39,8 tỷ tấn, giảm hơn 49 nghìn tỷ thiệt hại - ảnh 1
Các thành viên dân quân đang tải thiết bị phục vụ cho hoạt động "gieo mây, gọi mưa", một trong các biện pháp cứu trợ hạn hán giữa lúc có cảnh báo về đợt nắng nóng (Hình minh họa/China Daily - REUTERS)

"Hoạt động tăng cường lượng mưa nhân tạo là một dự án 'hệ thống', đòi hỏi hội đủ yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa", ông Thôi Hạo, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ giảm thiểu thiên tai khí tượng thành phố, cho biết.

Thiên thời, tức là điều kiện thời tiết phù hợp, cần có những đám mây dày hơn 2km, có đủ hơi nước và vùng bốc hơi thích hợp. Địa lợi là sự đảm bảo vùng trời không có vật cản, như máy bay, để tên lửa đạt độ cao từ 4.000 đến 8.000m, an toàn khi phóng. Nhân hòa là yếu tố quan trọng về thời điểm phóng, đòi hỏi sự tính toán và chuẩn bị trước kỹ lưỡng, đảm bảo rằng khi phóng, các điều kiện lý tưởng đã hội tụ đầy đủ.

"Tăng cường lượng mưa nhân tạo là một cuộc chạy đua với thời gian! Tăng cường lượng mưa nhân tạo chỉ hoạt động khi hệ thống mây mưa trên bầu trời đủ lượng nước, thường là vào nửa đêm hoặc sáng sớm. Chúng tôi kéo bệ tên lửa về đúng vị trí, chuẩn bị đạn, điều chỉnh hướng và chờ lệnh của sở chỉ huy. Đôi khi phải đợi đến ba hoặc bốn giờ sáng ngày hôm sau mới đợi được điều kiện lý tưởng nhất ", ông Lý Hồng Quý cho biết, mặc dù mỗi đợt phóng tên không mất quá một phút nhưng thời gian chờ đợi kéo dài nhiều ngày, không thể buông lỏng cho đến khi hoạt động hoàn tất.

Trong năm 2023, những nỗ lực điều chỉnh thời tiết đã giúp Trung Quốc tạo ra khoảng 39,8 tỷ tấn nước mưa, giảm thiểu tác động của hạn hán, tăng cường khả năng tích trữ nước và đảm bảo cung cấp năng lượng cho nhiều vùng. Riêng tại Tứ Xuyên, lượng mưa bổ sung này đã giúp giảm thiệt hại kinh tế đáng kể, ước tính khoảng 14,1 tỷ NDT, tương đương hơn 46 nghìn tỷ đồng.

Tiếp nối thành công của các hoạt động năm trước, vào ngày 1/9/2024, thành phố Trùng Khánh đã triển khai một loạt hoạt động tăng cường mưa nhân tạo sau một tháng 8 đầy khắc nghiệt với thời tiết nắng nóng và hạn hán. Từ 7 giờ sáng ngày 1/9 đến 7 giờ sáng ngày 2/9, các hoạt động diễn ra liên tục tại 8 quận, huyện trong thành phố.

Láng giềng Việt Nam phóng tên lửa để ‘hô mưa, gọi gió’: Tăng lượng mưa khoảng 39,8 tỷ tấn, giảm hơn 49 nghìn tỷ thiệt hại - ảnh 2
Thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc những ngày đầu tháng 9 thông báo làm mưa nhân tạo sau khi trải qua thời tiết nắng nóng và hạn hán trong suốt tháng 8 (Hình minh họa/AFP)

Tương tự như các hoạt động tại Tứ Xuyên, lần này Trùng Khánh sử dụng bạc iodide (AgI) làm chất xúc tác để kích thích quá trình tạo tinh thể băng trong các đám mây. Khi các tinh thể băng này đủ lớn, chúng sẽ tạo ra mưa.

Cụ thể, vào chiều 1/9, sự đối lưu nhiệt cục bộ - kết quả của nhiệt độ cao vào buổi chiều - đã giúp kích hoạt các điều kiện cần thiết để tiến hành phóng tên lửa. Tổng cộng có 31 quả tên lửa chứa 11 đơn vị bạc iodide được phóng lên bầu trời. Sau quá trình này, khu vực Trùng Khánh đã có mưa nhẹ đến vừa, với lượng mưa dao động từ 0,1mm đến 18,2mm, giúp giảm bớt phần nào tình trạng khô hạn và hạ nhiệt.

Giám đốc Văn phòng Điều chỉnh Thời tiết Trùng Khánh, ông Fang Dexian, cho biết các hoạt động tăng cường mưa nhân tạo đã được thực hiện liên tục tại các quận, huyện của thành phố kể từ tháng 8 để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân. Tuy nhiên, do những tác động tiềm tàng đến môi trường, các hoạt động này vẫn được kiểm soát và giới hạn ở một mức độ nhất định.

Dự báo trong những ngày tới, từ 5 đến 8/9, Trùng Khánh sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiệt độ cao, vượt ngưỡng 40 độ C. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại cơ hội để tiếp tục triển khai thêm các hoạt động tăng cường mưa nhân tạo, dự kiến sẽ giúp thành phố giảm bớt sự khô hạn và tác động của nắng nóng.

Tuy công nghệ tăng cường mưa nhân tạo đã mang lại những kết quả tích cực, việc triển khai vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Điều kiện tự nhiên như hệ thống mây, độ dày tầng mây và độ ẩm không khí phải đạt yêu cầu, kết hợp với sự chuẩn bị và phối hợp giữa các cơ quan quản lý vùng trời. Mặc dù là giải pháp tạm thời giúp giải quyết tình trạng khô hạn, công nghệ này không thể tạo ra mưa nếu các yếu tố thiên nhiên không phù hợp.

Việc Trung Quốc đầu tư và phát triển công nghệ này trong hơn 60 năm qua đã giúp hình thành hệ thống điều chỉnh thời tiết bốn cấp từ cấp huyện, thành phố, tỉnh đến quốc gia, mang lại những đóng góp to lớn trong phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Dẫu vậy, sự phát triển này cũng cần được thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo cân bằng giữa lợi ích trước mắt và tác động lâu dài đến hệ sinh thái.