HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Huy động 5.000 binh lính, Việt Nam xây dựng công trình quân sự rộng 420.000m2 cách đây hơn 2 thế kỷ, trang bị 65 khẩu súng thần công

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Công trình này được xây dựng cách đây hơn 200 năm, đã trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh.

Thành cổ Vinh là một biểu tượng kiến trúc và lịch sử quan trọng của vùng đất Nghệ An. Được khởi dựng vào năm 1804 dưới triều vua Gia Long, thành cổ nằm trên địa bàn các phường Quang Trung, Cửa Nam và Đội Cung thuộc thành phố Vinh ngày nay. 

Qua hơn hai thế kỷ, nơi đây không chỉ lưu giữ dấu ấn kiến trúc độc đáo mà còn chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc.

Huy động 5.000 binh lính, Việt Nam xây dựng công trình quân sự rộng 420.000m2 cách đây hơn 2 thế kỷ, trang bị 65 khẩu súng thần công - ảnh 1

Công trình có tên gọi cũ là thành Nghệ An, trong dân gian còn có tên là thành con rùa (thành quy hình). Hình ảnh được chụp năm 1927. Ảnh: BQL Di tích tỉnh Nghệ An

Khi khởi công xây dựng, triều đình nhà Nguyễn đã huy động lực lượng gồm 1.000 lính từ Thanh Hóa và 4.000 lính từ Nghệ An. Đến thời vua Tự Đức, trong quá trình nâng cấp thành, công trình đã sử dụng tới 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu, đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng chi phí lên đến 3.688 quan tiền.

Thành được thiết kế theo kiểu vô băng, một kiểu kiến trúc thành lũy kiên cố phổ biến ở châu Âu nhưng vẫn có những yếu tố truyền thống của kiến trúc Á Đông.

Huy động 5.000 binh lính, Việt Nam xây dựng công trình quân sự rộng 420.000m2 cách đây hơn 2 thế kỷ, trang bị 65 khẩu súng thần công - ảnh 2

Trải qua hơn 200 năm, thành cổ Vinh vẫn mang dáng dấp của một thành lũy uy nghi. Ảnh: Quang Huy Tạ 

Thành có cấu tạo hình lục giác, với diện tích khoảng 420.000m2, chu vi là 2.520m, bao gồm 2 vòng thành trong và vòng thành ngoài. Công trình có hệ thống thành cao và hào sâu. 

Trong đó, hào được đào sát bờ thành để lấy đất đắp lũy thành và cũng là hệ thống bảo vệ, tăng thêm sự khó khăn khi kẻ địch tấn công vào thành. Trước đây, hệ thống hào hàng năm còn được thả sen để lấy hạt cống nạp triều đình.

Huy động 5.000 binh lính, Việt Nam xây dựng công trình quân sự rộng 420.000m2 cách đây hơn 2 thế kỷ, trang bị 65 khẩu súng thần công - ảnh 3

Phía trên lầu của Tiền Môn được dựng bằng 4 cột gỗ to bằng một người ôm. Ảnh: kyluc.vn

Theo ghi chép, thành cổ có 3 cửa ra vào. Trong đó, cửa Tiền là cửa chính hướng về phía Nam, để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc ra vào; cửa Tả hướng về phía Đông và cửa Hữu hướng về phía Tây, muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu.

Mỗi cửa ra vào rộng hơn 3m. Trải qua năm tháng, các cửa này đã bị hư hỏng và được phục dựng nguyên hiện trạng. 

Huy động 5.000 binh lính, Việt Nam xây dựng công trình quân sự rộng 420.000m2 cách đây hơn 2 thế kỷ, trang bị 65 khẩu súng thần công - ảnh 4

Công trình có nhiều nét kiến trúc cổ kính và trang nghiêm. Ảnh: Internet

Bên trong thành, các công trình chính được bố trí theo hướng chiến lược. Hành cung lớn nhất và nằm ở vị trí trung tâm. Phía Đông có dinh Thống Đốc; phía Nam có dinh Bố Chánh và Án Sát cùng dinh Lãnh Binh, dinh Đốc Học; phía Bắc là trại lính và nhà ngục.

Thành cổ từng được trang bị 65 khẩu súng thần công, trong đó 47 khẩu được bố trí ở các vọng gác, số còn lại đặt tại Hành cung và dinh Thống Đốc.

Huy động 5.000 binh lính, Việt Nam xây dựng công trình quân sự rộng 420.000m2 cách đây hơn 2 thế kỷ, trang bị 65 khẩu súng thần công - ảnh 5

Mỗi tối, khi hệ thống đèn chiếu sáng được bật lên, thành cổ Vinh rực rỡ trong ánh sáng, như khoác lên mình diện mạo mới đầy thu hút. Ảnh: Nhật Lân/Báo Nghệ An

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thành cổ Vinh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Hiện nay, ba cổng thành là những phần còn sót lại, trở thành chứng tích lịch sử quý giá.

Đặc biệt, thành cổ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói chuyện với nhân dân Nghệ An trong các chuyến về thăm quê vào những năm 1957-1961. Nơi đây đã chứng kiến niềm tự hào và lòng yêu nước của người dân địa phương qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Huy động 5.000 binh lính, Việt Nam xây dựng công trình quân sự rộng 420.000m2 cách đây hơn 2 thế kỷ, trang bị 65 khẩu súng thần công - ảnh 6

Toàn cảnh thành cổ Vinh hiện nay. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Năm 1998, thành cổ Vinh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia, khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc đặc biệt. Đến năm 2004, UBND TP. Vinh triển khai dự án tu bổ và phục hồi ba cổng thành, giúp nơi đây trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước.