Huy động 14 triệu công nhân cùng 2.900 tấn thuốc nổ và 168.000 tấn sắt, thành công xây dựng hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới ở độ sâu 240m với 23,3km đường ray nằm dưới lòng đại dương
(Thị trường tài chính) - Trải qua 36 năm hoạt động, mỗi ngày tuyến đường sắt này có khoảng 50 tàu chở hàng, 30 tàu cao tốc Shinkansen di chuyển qua.
Được khởi công vào tháng 9/1971, đường hầm Seikan có tổng chiều dài 53,85 km, trong đó 23,3 km đi ngầm dưới eo biển Tsugaru. Tuyến đường sắt này có vai trò kết nối quận Aomori trên đảo Honshu với đảo Hokkaido. Đường hầm xuyên biển của Seikan rộng 9,3 m, cao 7,85 m, là một phần của tuyến đường Kaikyo, thuộc sở hữu của Cục Công nghệ, Vận tải và Kỹ thuật đường sắt Nhật Bản được điều hành bởi Công ty Đường sắt Hokkaido.
Để thi công tuyến đường hầm này, các kỹ sư và công nhân Nhật Bản đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi phải khoan nổ xuyên qua khu vực dễ xảy ra động đất. Trong quá trình xây dựng, đội ngũ thi công ước tính đã sử dụng tới 2.900 tấn thuốc nổ và 168.000 tấn sắt. Giai đoạn đầu, điều kiện địa chất phức tạp đã gây ra nhiều sự cố liên tiếp khiến việc sử dụng máy khoan để thông hầm trở nên không khả thi.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng của Ban quản lý và các đội công nhân, đường hầm đã được hoàn tất vào năm 1985. Đến ngày 13/3/1988, đường hầm Seikan chính thức đi vào hoạt động. Với tổng chi phí xây dựng lên đến 690 tỉ yên (tương đương 6,47 tỉ USD), cao gấp 12 lần dự toán ban đầu, cùng sự tham gia của 14 triệu công nhân, đây trở thành một trong những công trình xây dựng tốn kém nhất thế giới vào thời điểm đó.
Ngay sau khi đi vào vận hành, đường hầm Seikan đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của hai đảo Honshu và Hokkaido. Tất cả hoạt động vận tải đường sắt giữa hai đảo đều thông qua đường hầm này với hàng triệu lượt hành khách và hàng nghìn tấn hàng hóa được vận chuyển mỗi năm. Đặc biệt, thời gian di chuyển giữa hai đảo đã được rút ngắn chỉ còn 2,5 giờ.
Năm 2005, sau khi dự án đường sắt cao tốc Hokkaido Shinkansen khởi công, đường hầm Seikan bắt đầu được cải tạo và nâng cấp. Với chiều dài 23,3 km và độ sâu kỷ lục 240 m dưới mực nước biển, tính đến nay, đường hầm Seikan vẫn là tuyến đường hầm xe lửa dài nhất và sâu nhất thế giới, đồng thời là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự thành công vượt bậc của khoa học công nghệ Nhật Bản trong thế kỷ XX.
Thế nhưng, việc vận hành đồng thời tàu chở hàng và tàu chở khách cao tốc Shinkansen cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó có vấn đề tàu cao tốc buộc phải giảm tốc độ khi đi qua hầm ngầm dưới biển. Các tàu Shinkansen Hayabusa, loại tàu nhanh nhất tại Nhật Bản với tốc độ tối đa lên đến 320 km/h phải giảm tốc xuống còn 140 km/h khi qua hầm. Điều này nhằm tránh áp lực gió quá lớn từ tàu cao tốc, có thể làm lật tàu chở hàng nếu cả hai tàu di chuyển qua nhau cùng lúc. Sau nhiều cải tiến, tốc độ tối đa trong hầm đã được nâng lên 160 km/h, nhưng điều này chỉ giúp rút ngắn được 3 phút trong tổng thời gian di chuyển.
Vào tháng 12/2017, khi đường hầm Seikan chuần bị kỷ niệm 30 năm hoạt động, công trình này được chọn là một trong 20 biểu tượng đại diện cho di sản văn hóa và công nghệ của Nhật Bản bởi Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS), một cơ quan cố vấn của UNESCO. Hiện nay, hầm đường sắt Seikan là một cơ sở hạ tầng vận tải quan trọng và bận rộn, phục vụ cả việc chở hàng hóa lẫn hành khách. Mỗi ngày, có khoảng 50 tàu chở hàng và 30 tàu cao tốc Shinkansen di chuyển qua hầm.
Trong tổng số 2,47 triệu tấn hàng hóa vận chuyển qua hầm mỗi năm, phần lớn là nông sản từ Hokkaido đến các vùng khác tại Nhật Bản, bao gồm 60% hành và 40% khoai tây trồng tại Hokkaido. Ngoài ra, hầm còn vận chuyển sách và thực phẩm đã qua chế biến đến các khu vực phía Bắc. Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Vận tải Hàng hóa Nhật Bản từng chia sẻ với báo chí "Nhờ Seikan, ngành hậu cần (logistics) của Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể".