Giáo sư Việt U80 hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ: Người Việt Nam quan niệm 22 tuổi đã cần lập gia đình, 35 tuổi phải làm giám đốc, tôi 50 tuổi làm sếp lớn vẫn 'nhảy việc'
(Thị trường tài chính) - Vùng an toàn thật là khi chúng ta được thể hiện tất cả tài năng của mình, chứ không phải là ‘có lương, đi làm 8 tiếng một ngày thôi nhé! - Giáo sư nói.
Giáo sư Phan Văn Trường là cố vấn thương mại quốc tế cho Chính phủ Pháp từ thập niên 1990 và đã được Tổng thống Pháp hai lần phong Hiệp sĩ. Ông nhận huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" từ Chủ tịch nước Việt Nam vào năm 2010. Ông đã lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu, giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng, từng giữ mọi chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp và đàm phán các hợp đồng trị giá tới 60 tỷ USD.
Là tác giả của nhiều sách như “Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường, Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ…”, cho tới hiện tại, ở tuổi 78, ông vẫn nhiệt huyết với việc khuyến học và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Năm 2019, ông thành lập hệ sinh thái “Cấy nền” với các khóa học miễn phí hỗ trợ khởi nghiệp, dựa trên bốn nguyên tắc: “Bình đẳng - Hồn nhiên - Thẳng thắn - Tích cực”.
Trong một tập của "Cấy nền Radio" được đăng tải trên nền tảng Youtube, GS Phan Văn Trường đã có một cuộc trò chuyện với Khánh Vy - một bạn trẻ đang có rất nhiều những ảnh hưởng tích cực tới giới trẻ qua các video trên mạng xã hội. Ông đã có rất nhiều những chia sẻ hay và ý nghĩa về các vấn đề băn khoăn của các bạn trẻ hiện nay khi tìm ra được con đường đúng đắn cho bản thân trong tương lai.
“Thơi thới mà sống, bớt tính toán nặng nề”
Có một từ mà GS Phan Văn Trường rất hay nhắc và khuyên với các bạn trẻ ở trong các radio trong hệ sinh thái “Cấy nền”, đó là từ “vô tư”. Ông cho rằng tình yêu thương, sự trong sáng và hạnh phúc có thể bao trùm lên các khía cạnh đạo đức.
Bản thân GS Phan Văn Trường tuy không sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng cha mẹ ông vô cùng yêu thương và chiều chuộng con cái. Ông nói, nhẽ ra mọi thế hệ trẻ Việt Nam nên và phải được hưởng những điều đó, vì khi nhận được yêu thương thì mình sẽ sẵn sàng chia sẻ yêu thương.
“Lạ lắm! Chúng ta có một cái bệnh là bệnh tính toán. Nhưng sau khi tôi đã đi khắp nơi trên thế giới, tôi mới nhận ra rằng, những quốc gia không biết tính toán, thậm chí họ biết tính toán nhưng lại không muốn tính toán, thì đều là những dân tộc hạnh phúc cả”, GS Trường chia sẻ.
Ông cũng chia sẻ ví dụ từ chính bản thân mình, người sống “thơi thới” đều là những người lạc quan, mà lạc quan thì khó nhuốm bệnh. “Con virus nó sợ những người lạc quan lắm”, GS vui vẻ nói.
“Tôi cảm thấy may mắn vì hiện tại có thể được nhìn lại cuộc đời gần 80 năm của mình. Cho đến giờ tôi mới nhận ra, chính những năm tháng tuổi trẻ sống “thơi thới” đó đã chuẩn bị cho bản thân của 80 năm sau.
Từ một đứa trẻ từng được chiều chuộng, sang một người trẻ biết nhịn nhục, biết chịu thua, để rồi những bài học đó dẫn mình sang một con đường khác ngày càng khó khăn hơn. Và trên con đường đó, dần dần trái tim mình được đào tạo, trí óc mình sẽ được mài giũa và giúp mình trở thành một con người khác, một phiên bản tốt hơn”, GS Phan Văn Trường chia sẻ về cách sống “thơi thới” mà các bạn trẻ nên áp dụng ngay từ bây giờ.
Thói quen cho một tinh thần vững vàng mãi mãi
“Tôi luôn luôn áp dụng câu hỏi này ‘Mình đã tới ngưỡng chưa?’. Và khi mình đã tới ngưỡng rồi mà mình không nghỉ, lúc đó mới càng hăng hơn”, vị giáo sư chia sẻ.
GS Phan Văn Trường lấy một ví dụ từ thời đi học của ông, khi ông học thể dục và bị bắt phải chạy vòng quanh trường. Cho đến vòng thứ 2, ông đã mệt rồi. Nhưng người thầy thể dục khi đó lại nói với ông rằng: “Tôi sẽ cho cậu chạy đến khi gục xuống đây thì thôi. Cố thêm vòng nữa và lúc đó cậu sẽ khám phá ra một chuyện”.
Sau đó, ông mới nhận ra cái điều khám phá ra mà người thầy nói. Đó là khi mình đã chạy đến lúc tưởng chừng như sắp chết, mắt mờ cả đi, thì bất thình lình có một nguồn năng lượng mới tràn vào.
Giáo sư nói: “Khi mình muốn trở thành lực sĩ, phải tới vòng thứ nhì mới biết được năng lực thực sự”.
Việc kiên trì vượt qua giới hạn ban đầu giúp ông không ngừng phát triển bản thân, không chỉ về mặt thể chất mà cả tinh thần. Ông luôn tin rằng, vượt qua những thử thách khó khăn nhất sẽ giúp mỗi người khám phá ra sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình.
“Lăn xả mình vào, thất bại ê chề, vui đi”
Một câu hỏi mà có lẽ rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang vướng phải khi đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, đó là làm thế nào để định hướng tương lai cho đúng. Học xong đại học, bước ra đời với một tinh thần trẻ tuổi và trái tim nhiệt huyết, một người trẻ 21-22 tuổi làm thế nào để biết được đâu là hướng đi đúng cho mình?
“Đây là lời khuyên của một người đã sống nhiều thế hệ. Chúng ta không cần lựa chọn”, GS Phan Văn Trường đưa ra câu trả lời. “Thật ra khi nhìn vào đa số các bạn trẻ, chúng ta đều thấy các bạn thay đổi công việc tới 4-5 lần. Rõ ràng rằng nghề nghiệp đầu tiên đâu có quan trọng, bởi vì chúng ta còn thay đổi 4-5 lần nữa cơ mà”.
Theo giáo sư, chúng ta cần hiểu hiện tượng tuổi trong cuộc sống của mình. Con người ta sinh ra đã được cốt là phải va chạm, cọ xát, thử thách, đớn đau và sẹo đầy người để có thể trở thành cái mà chúng ta muốn. Lúc 18-20 tuổi, chúng ta phải cọ xát liên tục để khám phá ra được chúng ta có thể trở thành con người như thế nào.
“Nó giống như khi mua một cái máy mới, chúng ta phải thử âm thanh, thử ổ cứng, thử mọi thứ để nhận ra cái hay và cái không hay của cái máy đó. Vậy nên, con người cũng phải thử”, giáo sư nói.
Giáo sư cho rằng, 90% các bạn trẻ hiện nay đều không có cơ hội biết mình được sinh ra với chức năng gì, thậm chí đến năm 40 tuổi cũng không biết. Chỉ có một ước mơ là làm giám đốc và làm tiền.
Giáo sư Phan Văn Trường đưa ra lời khuyên rằng mỗi người nên tự thử thách và khám phá bản thân trong vòng 40 năm đầu đời. Ông nhận thấy người Việt Nam thường có quan niệm rằng 22 tuổi đã là già, cần lập gia đình và ổn định cuộc sống, và đến 35 tuổi phải đạt được vị trí giám đốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng chúng ta nên thử nghiệm và trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau để phát hiện ra khả năng bẩm sinh của mình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Giáo sư cho rằng chỉ khi tìm ra được khả năng tốt nhất của mình, chúng ta mới có cơ hội đạt được thành công thực sự. Thành công ở đây không phải là việc đạt được chức vụ cao hay mức lương lớn, mà là việc nhận ra được mục đích sống và giá trị mình có thể đóng góp cho nhân loại. Khi đó, mỗi người sẽ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
“Tôi đã từng giữ những chức vụ to nhất có thể trong một doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa đúng nghề. Mình 50 tuổi rồi mà vẫn thấy mình chưa tìm đúng nghề. Sau này khi có cơ hội giảng giải lại những trải nghiệm của mình, tôi mới nhận ra mình sinh ra là để trao lại giá trị cho các bạn trẻ. Và khi ấy, khi được sống đúng với cái chức năng của bản thân, tôi thấy sung sướng vô cùng và chìm đắm vào nó”, giáo sư nói về tâm huyết truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của ông được tìm thấy khi đã qua nửa đời người.
“Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ, là hãy cọ xát, lăn xả vào tất cả những công việc mà xã hội lôi cuốn mình. Rồi vỡ đầu vỡ tai, thất bại ê chề, vui đi! Bởi vì tất cả những điều đó sẽ giúp khám phá ra những khả năng thực chất của mình”, lời khuyên từ giáo sư.
Như câu chuyện “từ thức” trong cuốn “Một đời như kẻ tìm đường”, đọc sách thì có hàng trăm ngàn những nghề chính, nghề phụ, biết chọn cái nào?! Từ giờ tới năm 40 tuổi, chúng ta đều phải dấn thân vào những vùng không an toàn mà thôi.
“Vùng an toàn thật là khi chúng ta được thể hiện tất cả tài năng của mình, chứ không phải là ‘có lương, đi làm 8 tiếng một ngày thôi nhé!’. Cái đó mới là vùng không an toàn, vì chúng ta không thể giữ được cơ thế đó quá lâu đâu” - quan điểm của GS Phan Văn Trường về việc tìm ra vùng an toàn thật của mỗi người.
*Theo Kênh Youtube Cấy nền Radio