Giám đốc Bệnh viện K chỉ ra môn thể thao giúp phòng tránh ung thư, rèn luyện sức khỏe
(Thị trường tài chính) -Theo GS.TS Lê Văn Quảng cũng cho biết, bản thân đã tập bộ môn này khoảng 5 năm, thực hiện ít nhất 4 buổi/tuần.
Ngày 8/12 tại Hà Nội, Bệnh viện K phối hợp cùng Quỹ Ngày Mai Tươi Sáng và các đơn vị tài trợ tổ chức giải chạy “Hành trình tiếp sức”, nhằm gây quỹ hỗ trợ người bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Đây là lần đầu tiên Bệnh viện K phát động giải chạy với mục tiêu gây quỹ giúp bệnh nhân nghèo giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, đồng thời lan tỏa tinh thần lạc quan và tình yêu thương để tiếp thêm động lực cho người bệnh.
Chạy là vận động toàn thân tốt cho sức khỏe
Chia sẻ với báo chí tại giải chạy, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, một trong những yếu tố để rèn luyện sức khỏe, phòng tránh nguy cơ mắc ung thư chính là thể dục thể thao, trong đó chạy là vận động toàn thân.
"Chạy là vận động toàn thân tốt cho sức khỏe. Bản thân tôi cũng tham gia chạy bộ từ khoảng 5 năm trước, tuần nào tôi cũng chạy ít nhất 4 buổi, mỗi buổi 5 - 8 cây số, không phải chạy nhanh mà chạy vừa sức để rèn sức khỏe", GS.TS Lê Văn Quảng cho hay.
Chạy là vận động toàn thân tốt cho sức khỏe. Ảnh: Bệnh viện K
Đối với bệnh nhân ung thư, việc tập thể dục, bao gồm chạy bộ, cần phù hợp với tình trạng sức khỏe. Chẳng hạn, bệnh nhân sau phẫu thuật phổi có thể bắt đầu với đi bộ và tăng dần cường độ khi sức khỏe cải thiện. Còn các bệnh khác tập thể dục đều tốt, vì tập sẽ tiêu hao năng lực, ra mồ hôi, đào thải chất độc, giúp hệ tiêu hóa tốt hơn.
Hai nguyên nhân gây ung thư hàng đầu
GS.TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguyên nhân gây ung thư để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca ung thư mới, trong đó 82.000 trường hợp tử vong, phần lớn phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
GS.TS Lê Văn Quảng tại giải chạy “Hành trình tiếp sức”. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống
GS Lê Văn Quảng cho biết, nguyên nhân gây ra ung thư có tới 33% là do thuốc lá; 33% do cách chế biến và bảo quản thức ăn gây ra; 5% do di truyền và đột biến gen; còn lại các yếu tố môi trường…
Hiện nay, sàng lọc phát hiện sớm ung thư tại Việt Nam cũng như thế giới có nhiều phương pháp mới, tùy thuộc vào từng loại bệnh. Chẳng hạn, đối với ung thư đại trực tràng thì nội soi dạ dày hoặc xét nghiệm máu ẩn trong phân để tìm ra những nhóm có nguy cơ, sau đó tiến hành nội soi bằng dải tần hẹp phát hiện những tổn thương nhỏ, trên cơ sở đó phóng đại sẽ nhìn rõ tổn thương hơn.
Còn với ung thư phổi, sàng lọc bằng chụp CT liều thấp để phát hiện những khối bất thường. Đối với ung thư vú vẫn chụp X-quang tuyến vú, nếu bệnh nhân có BHYT chụp MRI để sàng lọc. Tuy nhiên, phương pháp này chi phí còn đắt, nên chưa áp dụng rộng rãi.
Một số bệnh ung thư có yếu tố di truyền sẽ xét nghiệm đột biến gen, nếu có gen đột biến thì những bệnh nhân này đều phải theo dõi hết sức chặt chẽ, thậm chí làm một số biện pháp dự phòng để ngăn ngừa ung thư.