Đề xuất xây hầm vượt sông nội địa dài nhất Việt Nam: Ước tính đầu tư gần 10.000 tỷ, kết nối hai tỉnh, thành giàu có bậc nhất
(Thị trường tài chính) - Dựa trên các phương án đã được đề xuất, chi phí ước tính dao động từ 9.000 đến 10.000 tỷ đồng với thời gian thi công dưới 2 năm.
Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, tại buổi làm việc ngày 3/12 với các đơn vị liên quan đến tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chấp thuận phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho kế hoạch xây dựng cầu Cát Lái nhằm kết nối tỉnh Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã đề xuất phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay thế cho cầu Cát Lái với Thủ tướng và các cơ quan trung ương. Ông Đức nhấn mạnh, việc xây dựng hầm vượt sông không chỉ đảm bảo mỹ quan khu vực hai bên sông mà còn tránh được những ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Cát Lái.
Ý tưởng thay thế này đánh dấu một bước ngoặt so với kế hoạch trước đó. Vào năm 2015, dự án cầu Cát Lái từng được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Dự án được kỳ vọng là giải pháp thay thế cho phà Cát Lái, giúp tăng cường kết nối giao thông giữa TP Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Khi đó, cầu Cát Lái được thiết kế với chiều dài 4,5 km, bao gồm 8 làn xe, xuất phát từ nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức), theo tuyến đường Nguyễn Thị Định vượt qua sông và nối với tỉnh lộ 25B tại Nhơn Trạch. Dự án dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng vốn đầu tư ước tính 7.200 tỷ đồng và được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, sau nhiều năm thảo luận, kế hoạch triển khai vẫn chưa đi đến thống nhất nên phà Cát Lái vẫn đang là phương thức vận tải chính.
Giữa tháng 11, tại buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh, Công ty CP Fecon cùng đối tác Shanghai Tunnel Engineering Co. (STEC) đã đề xuất phương án xây dựng hầm vượt sông thay thế cho cầu trong dự án xây cầu thay phà Cát Lái. Đề xuất bao gồm hai phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai với các hầm hở tại cả hai đầu - phía Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai kết hợp với phần hầm kín băng qua sông. Cả hai phương án đều thiết kế hai tuyến hầm chạy song song.
Phương án 1 được Công ty CP Fecon đề xuất với quy mô 8 làn đường, chia đều 4 làn cho mỗi hầm, vận tốc thiết kế đạt 80 km/h. Tuyến hầm trong phương án này có chiều dài hơn 2,3 km.
Trong khi đó, phương án 2 giảm quy mô xuống còn 6 làn đường, mỗi hầm có 3 làn, với chiều dài tuyến khoảng 1,7 km.
Đại diện các đơn vị cho biết, các phương án trên mới chỉ mang tính chất gợi mở do thời gian nghiên cứu hạn chế và chưa có số liệu đầy đủ về địa chất cũng như các quy hoạch liên quan. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, phương án thi công hầm được đánh giá là giải pháp nhanh và tiết kiệm hơn so với xây cầu. Chi phí ước tính dao động từ 9.000 đến 10.000 tỷ đồng với thời gian thi công dưới 2 năm.
Bên cạnh việc đồng thuận với phương án xây dựng hầm vượt sông thay cầu Cát Lái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đồng ý chủ trương nâng cấp tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe. Mục tiêu của việc nâng cấp là đảm bảo khả năng kết nối giữa Sân bay Long Thành và Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai.
Sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam với chiều dài khoảng 586km. Con sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng), chảy qua các tỉnh thành như Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM trước khi đổ ra biển thông qua hệ thống sông Đồng Nai - Nhà Bè. Sông đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nước, thủy lợi, giao thông và thủy điện cho khu vực Đông Nam Bộ. |