Đào đất ngoài vườn, lão nông Hà Tĩnh tìm thấy bảo vật cổ nặng tới 200kg, hiếm hoi còn sót lại từ thời nhà Trần
(Thị trường tài chính) - Năm 2023, với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, món đồ cổ này đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo thông tin trên Báo Dân Việt, vào năm 1989, khi đào gốc cây tại thôn Trường Xuân, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), ông Phan Tân bất ngờ phát hiện một quả chuông cổ bằng đồng nằm cách mặt đất khoảng 0,5m. Chuông còn khá nguyên vẹn, trên thân khắc nhiều chữ Hán, khiến nhiều người dân trong làng hết sức tò mò và thích thú.
Chuông còn khá nguyên vẹn, trên thân khắc nhiều chữ Hán (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Theo các bậc cao niên, quả chuông cổ này thuộc về chùa Rối, một ngôi chùa từng tồn tại trong khu vực nhưng nay chỉ còn lại phế tích. Vì vậy, người dân cùng chính quyền địa phương đã đặt tên quả chuông là "chuông chùa Rối”.
Sau khi được khai quật, chuông chùa Rối trải qua nhiều nơi lưu giữ tạm thời của các cơ quan tại huyện Cẩm Xuyên. Đến năm 2019, hiện vật quý giá này được chính thức bàn giao cho Bảo tàng Hà Tĩnh để bảo quản và trưng bày.
Theo thông tin trên Báo Hà Tĩnh, chuông chùa Rối được trang trí với nhiều họa tiết tinh xảo, đậm nét văn hóa thời Trần, thể hiện kỹ thuật đúc đồng điêu luyện. Đặc biệt, trên thân chuông còn khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của danh sĩ Phạm Sư Mạnh, bày tỏ cảm xúc khi ông chiêm ngưỡng đỉnh Hoành Sơn Quan. Bài thơ cũng ghi lại sự kiện lịch sử khi vua Trần Duệ Tông thân chinh phương Nam, tạo thêm giá trị lịch sử độc đáo cho chiếc chuông.
Chuông chùa Rối được trang trí với nhiều họa tiết tinh xảo (Ảnh sưu tầm Internet)
Theo Báo Dân Việt, chuông chùa Rối nặng khoảng 200kg, đúc bằng đồng, với chiều cao 115cm và đường kính miệng 65cm. Chuông có cấu tạo gồm quai và thân, trong đó quai chuông là điểm nhấn đặc biệt, được thiết kế thành hình một con rồng khom lưng.
Con rồng trên quai chuông có bốn chân to khỏe, mỗi chân đều có bốn móng ôm chặt vào đỉnh chuông. Toàn thân rồng được chạm vảy xen kẽ đều đặn, mỗi vảy có chấm tròn tạo điểm nhấn. Thân rồng uốn thành vòng cung vững chắc, đủ sức nâng đỡ và chịu lực cho chuông khi đánh, dù trọng lượng lớn và phải rung lắc mạnh.
Chuông chùa Rối nặng khoảng 200kg (Ảnh sưu tầm Internet)
Thân chuông được trang trí với 6 núm thỉnh hình tròn, mỗi núm có họa tiết hoa sen gồm 13 cánh sen lớn và 13 cánh sen nhỏ lật úp, sắp xếp xen kẽ tạo nét cân đối hài hòa. Phần miệng chuông được chế tác tinh xảo với 86 cánh hoa sen lật úp, viền các cánh sen có hai đường gờ nổi rõ ràng. Các cánh hoa sen lớn và nhỏ, gồm 43 cánh to và 43 cánh nhỏ, đan xen xung quanh vành miệng chuông, tạo nên vẻ đẹp cầu kỳ và tỉ mỉ cho hiện vật.
Chuông có cấu tạo gồm quai và thân (Ảnh sưu tầm Internet)
Năm 2023, với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, chuông chùa Rối đã được công nhận là bảo vật quốc gia.