Cục Đăng kiểm Việt Nam cảnh báo chiêu trò lừa đảo qua việc kẻ gian chuyển 10 nghìn, 20 nghìn vào tài khoản
(Thị trường tài chính) - Việc mất cảnh giác và truy cập vào các đường link lạ dễ khiến tiền trong tài khoản của chúng ta "bay sạch".
Tình hình tội phạm mạng ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của nhiều thủ đoạn tinh vi, điển hình là vụ việc kẻ gian mạo danh Cục Đăng kiểm để lừa đảo các chủ phương tiện, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp tiền được chuyển vào tài khoản của cơ quan với số tiền nhỏ, từ 10.000 đồng đến 23.000 đồng mà không có thông tin rõ ràng về mục đích chuyển tiền. Đây là dấu hiệu cho thấy có kẻ gian đang lợi dụng Cục để thực hiện hành vi lừa đảo.
Các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Ảnh minh họa: Internet
Các đối tượng lừa đảo thường thực hiện hành vi của mình theo các bước sau. Đầu tiên, chúng gọi điện thông báo cho chủ phương tiện về việc Cục sẽ thay đổi mẫu tem kiểm định, đồng thời yêu cầu thanh toán tiền tem cùng chi phí vận chuyển. Sau đó, chúng hướng dẫn nạn nhân truy cập vào một đường link hoặc quét mã QR giả mạo để khai báo thông tin cá nhân. Khi nạn nhân truy cập vào các đường dẫn này, thông tin cá nhân của họ có nguy cơ bị đánh cắp hoặc thiết bị của họ có thể bị chiếm quyền điều khiển, từ đó các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nhiều người "sập bẫy" kẻ gian vì truy cập đường link lạ, mã QR giả. Ảnh minh họa: Internet
Để phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo và nâng cao ý thức cảnh giác, chúng ta cần lưu ý một số điều quan trọng. Mỗi người dân cần cảnh giác khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ người lạ và không nên vội vàng làm theo hướng dẫn của họ. Hãy xác minh danh tính của đối tượng qua các kênh thông tin chính thống trước khi làm bất cứ điều gì. Đồng thời, mỗi người cần ghi nhớ tuyệt đối không chuyển tiền vào các tài khoản không rõ danh tính, không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc tải các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, người dân không nên chia sẻ thông tin nhạy cảm như số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu hay bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người khác.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng liên hệ với công an gần nhất để trình báo. Người dân cần cung cấp đầy đủ thông tin về vụ việc như thời gian, địa điểm xảy ra, đối tượng nghi vấn và các bằng chứng liên quan để cơ quan chức năng có thể điều tra và xử lý một cách nhanh chóng, hiệu quả