Các trường hợp nghỉ làm vẫn được hưởng lương từ năm sau, nắm rõ để bảo vệ quyền lợi
(Thị trường tài chính) - Những trường hợp nghỉ làm có lương được quy định rõ ràng, giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
Pháp luật lao động Việt Nam đã đưa ra nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong đó có các quy định về việc nghỉ làm có lương. Những quy định này không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe và tinh thần của người lao động mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các nhu cầu của phụ nữ trong quá trình mang thai, nuôi con nhỏ và tham gia lao động.
Lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ được pháp luật lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm và ưu ái. Ảnh minh họa
Các trường hợp nghỉ làm có lương được quy định rõ ràng, giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động, đồng thời thúc đẩy môi trường làm việc công bằng và lành mạnh. Những quy định này góp phần tạo điều kiện cho người lao động duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc.
Trường hợp nghỉ lễ, Tết hưởng nguyên lương
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
Trường hợp nghỉ hàng năm hưởng nguyên lương
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Trường hợp nghỉ trong giờ làm việc vẫn được hưởng lương
Căn cứ khoản 1, 2 và 3 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp người lao động nghỉ trong giờ làm việc vẫn được tính vào thời gian làm việc hưởng lương bao gồm:
- Nghỉ giữa giờ: làm việc theo ca liên tục 06 giờ trở lên và thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút được nghỉ 30 phút (ca ngày) và 45 phút (nếu có ít nhất 03 giờ làm đêm hoặc làm việc vào ban đêm).
- Nghỉ giải lao theo tính chất công việc.
- Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
Trường hợp nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 38 Luật vệ sinh, an toàn lao động 2015 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp có quyền nghỉ để điều trị mà không bị trừ lương. Ảnh minh họa
Trường hợp nghỉ do bị tạm đình chỉ công việc nhưng không bị xử lý kỷ luật
Theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.
Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Trường hợp nghỉ làm do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật
Tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì phải có trách nhiệm nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời phải trả lương cho những ngày người lao động không làm việc.
Trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương
Cụ thể tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Trường hợp nghỉ hưởng lương dành riêng cho lao động nữ
Cụ thể tại Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về bảo vệ thai sản như sau:
- Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.