Bộ Công an lên tiếng về việc xử lý các tin đồn thất thiệt và lợi ích của người dân khi sử dụng VNeID
(Thị trường tài chính) -Theo người phát ngôn Bộ Công an, đưa tin thất thiệt, vu khống, xuyên tạc trên mạng xã hội là hiện tượng rất đáng lo ngại, sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Chiều ngày 8/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ.
Phát biểu tại họp báo, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật, thậm chí vu khống và xuyên tạc trên mạng xã hội đang là vấn đề đáng báo động.
Người phát ngôn Bộ Công an lấy ví dụ, vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng (lãnh đạo Công ty Đại Nam) đã bị xét xử vì hành vi đưa tin xuyên tạc, sai sự thật. Đối với việc liên quan Ngân hàng ACB, ông Tuyên cho biết, đến nay, Bộ Công an chưa nhận được đơn thư của các bên. “Khi có đơn thư, theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ xem xét, xử lý”, ông Tuyên khẳng định.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin tại họp báo. Ảnh: VGP
Về giải pháp, ông nhấn mạnh cần nâng cao giáo dục đạo đức và xây dựng quy định ứng xử văn minh trên không gian mạng. Bộ Công an đang thu thập thông tin và kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp. Với những hành vi vi phạm rõ ràng, Bộ sẽ xử lý nghiêm minh, đặc biệt là các hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, doanh nghiệp hoặc tác động xấu đến hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại.
Thực tế vừa qua, Bộ Công an đã xử lý rất nhiều vụ về vấn đề này. Bộ Công an mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, qua đó nâng cao ý thức người dân hơn, không đưa tin thất thiệt và bình tĩnh khi nhận những thông tin như thế này để tránh những hành vi không có lợi cho xã hội nói chung.
Đề cập tình hình triển khai ứng dụng VNeID, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên chia sẻ, Bộ Công an đã xây dựng và duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống". Đây là nền tảng quan trọng để Chính phủ thực hiện Đề án 06, tận dụng dữ liệu dân cư trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số.
Ứng dụng VNeID được ví như "hồ sơ điện tử cá nhân", giúp người dân lưu trữ và quản lý thông tin quan trọng như căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Đồng thời, ứng dụng tích hợp các dịch vụ công, chẳng hạn thay vì đến cơ quan tư pháp, người dân có thể tra cứu lý lịch tư pháp hoặc đăng ký xe ô tô toàn trình lần đầu một cách nhanh chóng qua VNeID. Các thủ tục cư trú cũng có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên nền tảng này.
"Chính phủ coi đây là công cụ, phương tiện điển hình để người dân trở thành công dân số, tham gia các hoạt động của xã hội", người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng các tiện ích đảm bảo thiết thực, thân thiện với người dân...