Bộ Công an hướng dẫn cách tự cứu mình khi có cháy xảy ra ở nhà độc lập, liền kề, căn hộ trong các chung cư
(Thị trường tài chính) - Bộ Công an hướng dẫn người dân phương pháp thoát nạn an toàn và cách xác định lối thoát khi xảy ra cháy.
Đối với nhà độc lập, liền kề
Theo Báo Chính phủ, để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, điều đầu tiên cần làm là xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà. Ở các nhà độc lập hoặc liền kề, những lối thoát hiểm phổ biến bao gồm cửa chính, cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng, ban công hoặc lôgia; lối lên sân thượng hoặc mái để di chuyển sang công trình liền kề. Đối với căn hộ độc lập, lối thoát nạn an toàn còn có thể là cửa sổ hoặc ban công, đặc biệt khi được hỗ trợ bởi các thiết bị cứu hộ như thang, thang cây hoặc dây tự cứu hạ chậm,...
Bộ Công an hướng dẫn người dân phương pháp thoát nạn an toàn và cách xác định lối thoát khi xảy ra cháy. Ảnh minh họa
Khi phát hiện đám cháy, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau:
Người đầu tiên nhận thấy cần ngay lập tức phát tín hiệu báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng di chuyển ra ngoài qua cửa chính, nếu khu vực này chưa bị ảnh hưởng bởi lửa hoặc khói. Trong quá trình thoát hiểm, cần giữ bình tĩnh và áp dụng các biện pháp để hạn chế hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa làm bỏng da hay cháy quần áo;
Nếu cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa và khói phong tỏa, mọi người cần bình tĩnh cùng nhau tìm kiếm và lựa chọn lối thoát khác phù hợp như:
Nếu có thể, hãy di chuyển ra ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây (Hình 27) để thoát hiểm. Trong tình huống khẩn cấp, có thể tận dụng dây thừng hoặc tự chế dây từ các vật dụng sẵn có như rèm cửa, ga giường, hoặc quần áo để thoát xuống mặt đất an toàn. Tuy nhiên, trước khi sử dụng dây, cần kiểm tra độ chắc chắn của dây và đảm bảo dây được buộc chặt vào các cấu kiện kiên cố;
Tìm đường thoát qua ban công hoặc cửa sổ và cố gắng di chuyển sang các nhà hoặc công trình lân cận nếu có lối đi an toàn;
Trong trường hợp cần thiết, hãy di chuyển lên tầng thượng hoặc mái nhà để tìm cách thoát sang các công trình kế bên. Trong suốt quá trình di chuyển, nên sử dụng khăn hoặc áo được thấm ướt để che kín mũi và miệng, nhằm giảm nguy cơ hít phải khói và khí độc.
Đối với các công trình có lồng sắt bảo vệ bên ngoài, có thể thoát qua các ô cửa trên lồng sắt để di chuyển sang các công trình liền kề. Nếu lồng sắt không có cửa thoát hiểm (Hình 28), hãy bình tĩnh tìm các vật dụng như búa, rìu hoặc các dụng cụ khác để phá vỡ hoặc làm rộng các ô cửa trên lồng sắt, tạo lối thoát cho mọi người. Khi đó, bạn có thể di chuyển qua các công trình bên cạnh hoặc xuống nơi an toàn với sự giúp đỡ của những người xung quanh;
Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn, vì rất dễ bị ngạt khói hoặc bị lửa thiêu khi đám cháy lan rộng ra toàn bộ căn hộ. Trong trường hợp khẩn cấp, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn và chảy xuống các tầng dưới, giúp cản lửa không leo lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi thực hiện việc xả nước, cần phải cắt cầu dao tổng để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ điện giật do nước tràn vào các thiết bị điện;
Trong mọi tình huống, khi phát hiện đám cháy, cần ngay lập tức gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua số điện thoại 114, để đảm bảo họ có thể đến kịp thời và tiến hành cứu nạn cũng như dập tắt đám cháy.
Đối với căn hộ tại các chung cư nhiều tầng, cao tầng
Ở các tòa nhà chung cư nhiều tầng, cao tầng, lối thoát nạn an toàn thường là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (với cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt bên ngoài (thường là cầu thang sắt). Khi xảy ra sự cố cháy, để đảm bảo thoát nạn an toàn, mọi người cần lưu ý những điểm sau:
Trên hành lang của tòa nhà dẫn từ các căn hộ đến các lối thoát nạn thường có các biển chỉ dẫn. Người bị nạn cần di chuyển theo hướng mũi tên chỉ dẫn để đến buồng thang thoát nạn (Hình 29a). Tại lối vào buồng thang (bên trong nhà) hoặc cầu thang hở (bên ngoài), sẽ có đèn chỉ dẫn ký hiệu "EXIT" (Hình 29b). Khi vào buồng thang, mọi người cần di chuyển xuống dưới và ra ngoài khu vực an toàn;
Để thoát nạn an toàn, mọi người chỉ được sử dụng thang bộ (Hình 30a). Tuyệt đối không được sử dụng thang máy (Hình 30b) vì khi có sự cố cháy, hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất, khiến thang máy dừng đột ngột tại bất kỳ vị trí nào. Người bị nạn có thể bị kẹt trong thang và chịu nguy cơ cháy hoặc hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong;
Trong quá trình di chuyển để thoát nạn, cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ lân cận và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để thông báo sự cố, giúp mọi người trong tòa nhà biết và kịp thời thoát nạn (Hình 31);
Mọi người cần hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình thoát nạn, đặc biệt giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ mang thai (Hình 32). Tuyệt đối không chen lấn, xô đẩy, vì điều này có thể gây chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người;
Nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn bị khói lửa bao trùm, không thể thoát ra khỏi phòng, hãy nhanh chóng đóng cửa và thực hiện các biện pháp ngăn khói, lửa lan vào căn hộ. Sử dụng điện thoại gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua số 114 để được cứu nạn. Di chuyển ra cửa sổ hoặc ban công, hô to và sử dụng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi sự chú ý (Hình 33);
Trong mọi tình huống, tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn, như có đệm hơi hoặc các phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới (Hình 34).
Lưu ý, biện pháp nhảy từ trên cao xuống chỉ được thực hiện khi đã suy xét kỹ và xác định không còn phương án thoát nạn nào khác.