Bê bối thực phẩm rúng động: Một loại hạt nhiều người Việt Nam ví như 'kim cương đỏ' bị phun lưu huỳnh và ngâm trong hóa chất cấm, đẹp mã nhưng độc tính cực cao
(Thị trường tài chính) - Đây là bê bối thực phẩm lớn thứ hai của quốc gia gần Việt Nam trong năm nay, khi loại ‘siêu thực phẩm’ này được chế biến độc hại và bán với mức giá gấp đôi.
Một vụ bê bối thực phẩm mới đây đã gây chấn động Trung Quốc, liên quan đến việc sử dụng hóa chất cấm trong quá trình bảo quản quả kỷ tử, một loại thực phẩm quen thuộc trong y học cổ truyền và ẩm thực Trung Quốc. Vụ việc, được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tiết lộ, là sự cố lớn thứ hai về an toàn thực phẩm trong năm, làm dấy lên lo ngại về chất lượng và an toàn của các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Trong bản tin phát sóng vào Chủ nhật vừa qua, CCTV đã tiến hành phỏng vấn với các nông dân và thương nhân trồng kỷ tử tại huyện Tĩnh Viễn, tỉnh Cam Túc - một khu vực trồng loại quả này rộng lớn với 14 thị trấn. Báo cáo cũng mở rộng phạm vi đến các trang trại tại Golmud, thành phố thuộc tỉnh Thanh Hải, nơi diễn ra các hoạt động bảo quản trái cây này bằng hóa chất độc hại.
Theo đó, gần một chục nông dân và thương nhân đã thừa nhận việc ngâm quả kỷ tử trong natri metabisulfite, một chất bị cấm trong ngành, đồng thời phun lưu huỳnh công nghiệp để duy trì hình dáng và màu sắc của quả. Một chủ cửa hàng còn chia sẻ trên sóng truyền hình: “Những quả kỷ tử được hun lưu huỳnh trông đỏ và đẹp hơn. Lưu huỳnh giúp bảo quản chúng lâu hơn và ngăn chặn sâu bệnh phát triển. Nhưng độc tính của nó thì rất cao”.
Cảnh quay của CCTV còn cho thấy hình ảnh những người nông dân chuẩn bị thùng natri metabisulfite đặc, sủi bọt, sau đó rửa quả kỷ tử trong dung dịch hóa chất độc hại này. Natri metabisulfite có thể được dùng trong bảo quản thực phẩm, nhưng nó bị cấm sử dụng trong ngành trồng kỷ tử ở Trung Quốc do những rủi ro về sức khỏe.
Bên cạnh việc ngâm hóa chất, nhiều trang trại còn thực hiện bước phun lưu huỳnh công nghiệp lên kỷ tử thay vì phơi nắng tự nhiên - phương pháp an toàn và truyền thống để bảo quản loại quả này. Lưu huỳnh giúp giữ cho kỷ tử có màu đỏ tươi đẹp mắt, nhưng lại gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Quả kỷ tử (còn gọi là goji hay wolfberry) không chỉ phổ biến trong các món ăn như lẩu và y học cổ truyền Trung Quốc, mà còn được quảng bá là một "siêu thực phẩm" ở các thị trường phương Tây. Chỉ riêng năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 14.000 tấn kỷ tử ra nước ngoài, khiến vụ bê bối này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường trong nước mà còn có thể gây ra lo ngại toàn cầu về an toàn thực phẩm.
Một thương nhân khác thừa nhận: “Những người mua từ các nơi khác đều không biết sự thật. Họ chỉ nhìn thấy vẻ ngoài bắt mắt của nó mà thôi”. Điều đáng lo ngại là hành vi này không hề hiếm gặp. Một số nông dân đã thẳng thắn thừa nhận rằng việc tiêu thụ kỷ tử bị hun lưu huỳnh đang trở thành hiện tượng phổ biến vì lợi nhuận cao.
“Nếu kỷ tử được hun lưu huỳnh, nó có thể bán với giá 17-18 nhân dân tệ mỗi cân. Nếu không, giá chỉ còn 9-10 nhân dân tệ mỗi cân, không phải mức giá tốt”, một nông dân chia sẻ thêm.
Kết quả kiểm tra của các nhân viên CCTV cho thấy tất cả các mẫu kỷ tử đều không đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng. Một ngày sau khi báo cáo được phát sóng, Văn phòng Ủy ban An toàn Thực phẩm Tĩnh Viễn đã nhanh chóng mở một cuộc điều tra về hoạt động sản xuất và bán kỷ tử tại địa phương. “Những người vi phạm pháp luật và quy định sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”, cơ quan này tuyên bố.
Chính quyền thành phố Golmud cũng đã ra thông báo tương tự, cam kết điều tra và xử lý các sai phạm.
Vụ bê bối này xảy ra chỉ hai tháng sau một sự cố an toàn thực phẩm khác khiến Trung Quốc rúng động. Đầu tháng 7, hãng thông tấn nhà nước Beijing News tiết lộ rằng nhiều bồn chứa hóa chất chưa được làm sạch đã được sử dụng để vận chuyển dầu ăn - một hành vi phổ biến đến mức công nhân coi đó là “tiêu chuẩn ngành”.
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã trải qua nhiều vụ bê bối thực phẩm nghiêm trọng, từ sữa bột bị ô nhiễm đến việc tái sử dụng dầu thải trong các nhà hàng. Những vụ việc này đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm được bán trên thị trường. Việc bảo quản kỷ tử bằng hóa chất cấm chỉ là một trong vô số những ví dụ điển hình về tình trạng an toàn thực phẩm đang bị coi nhẹ, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng và cộng đồng để bảo vệ sức khỏe người dân.