Bác sĩ Đông y chỉ ra loại cây có sẵn ở vườn quê Việt, lá, rễ, vỏ... đều là 'thần dược' chữa bệnh, giúp kéo dài tuổi thọ
(Thị trường tài chính) -Một vài nghiên cứu gần đây còn chỉ ra loại cây này cung cấp một số hợp chất có thể giúp chống lại bệnh tiểu đường.
Cây dâu tằm, còn được gọi là dâu cang hay tầm tang, có tên khoa học là Morus alba L. hoặc Morus acidosa, thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Đây là loại cây thân gỗ cao từ 2-3m, có lá mọc so le, hình bầu dục với mép lá có răng cưa.
Hoa của cây mọc thành bông hoặc thành cụm hình cầu, trong khi quả dâu bắt đầu có màu xanh, chuyển dần sang đỏ rồi đen sẫm khi chín. Quả dâu tằm không chỉ được dùng để ăn, mà còn có nhiều công dụng trong y học và làm rượu ngâm.
Cây dâu là loài cây ưa ẩm và sáng, thường được trồng tại các bãi sông, đồng bằng và cao nguyên. Quả dâu tằm chín từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, được thu hái khi chuyển sang màu đen và có thể dùng tươi hoặc sấy khô.
Cây dâu tằm được trồng phổ biến ở nhiều vùng quê Việt Nam
Về mặt y học, dâu tằm được sử dụng trong Đông y với nhiều công dụng như an thần, thanh nhiệt, giảm đau do viêm khớp, làm mạnh gân cốt, hạ huyết áp, tiêu viêm và lợi tiểu.
Chia sẻ trên Báo Sức khỏe và Đời sống, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Thục, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, cây dâu có rất nhiều vị thuốc:
Lá dâu (Tang diệp - Folium Mori)
Lá dâu tằm có nhiều hợp chất thực vật mạnh mẽ như chất chống oxy hóa polyphenol, vitamin C, kẽm, canxi, sắt… Cách sử dụng phổ biến nhất của sắc lấy nước uống
Lá dâu chứa chất cao su, carotene, tannin, vitamin C, choline, adenine, trigonellin cùng nhiều hợp chất khác như pentozan, canxi malat và canxi cacbonat.
Theo Đông y, lá dâu có vị đắng, ngọt, tính hàn, quy vào hai kinh can và phế. Lá dâu có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết và sáng mắt, thường dùng để chữa các triệu chứng như ho, sốt, ngạt mũi và đau đầu.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra lá dâu tằm chứa một số hợp chất như DNJ (1-deoxynojirimycin), có thể ngăn ngừa tiểu đường, ngăn cản sự hấp thụ carbs trong ruột và giảm lượng đường trong máu. Chiết xuất lá dâu tằm được sử dụng trong một nghiên cứu kéo dài 3 tháng ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy lượng đường trong máu sau bữa ăn của họ đã giảm đi đáng kể.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Sinh học Ả Rập Xê Út đã tiết lộ trà lá dâu tằm hữu ích trong việc làm giảm lượng đường tăng đột biến do ăn uống sau 90 phút kể từ khi ăn xong. Các nhà khoa học kết luận rằng lá dâu tằm có thể hữu ích cả trong điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, đối với người bệnh tiểu đường, đường huyết cao trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào cần hỏi ý kiến bác sĩ để có thể phù hợp với tình trạng bệnh.
Vỏ rễ dâu (Tang bạch bì - Cortex Mori radices)
Theo Bác sĩ Nguyễn Đình Thục, vỏ rễ cây dâu có tên vị thuốc là tang bạch bì (Cortex Mori radices), có acid hữu cơ, tannin, pectin, beta amyrin, rất ít tinh dầu.
Theo Đông y, tang bạch bì có vị ngọt, tính hàn, quy kinh phế, tỳ có công năng lợi tiểu, tả phế, thanh nhiệt, tiêu phù và bình suyễn. Chính vì vậy, vỏ rễ cây dâu được dùng để điều trị ho, làm thuốc lợi tiểu, dùng trong bệnh thủy thũng, chữa ho lâu ngày, hen, ho có đờm, băng huyết, chữa sốt, tăng huyết áp. Liều dùng hằng ngày 6-18g/ngày dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Quả dâu (Tang thầm - Fructus Mori)
Quả dâu chứa nước (84,71%), đường (9,19%), acid (1,80%), protid, tannin, vitamin C...
Theo Đông y, quả dâu có vị ngọt, chua, tính ôn, quy vào hai kinh can và thận. Nó có tác dụng bổ thận, bổ huyết, chữa các chứng tiêu khát, lao hạch ở cổ, tai ù, và mắt có màng. Tuy nhiên, những người bị tiêu chảy không nên sử dụng.
Cành dâu (Tang chi)
Cành dâu được dùng làm thuốc với tên tang chi, có vị đắng, tính bình, quy vào kinh can. Tang chi có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau nhức khớp và điều trị cước khí. Bộ phận này thường được dùng để chữa các triệu chứng đau nhức, co quắp chân tay do phong hàn thấp tà.