Vinconex muốn bán Cảng quốc tế Vạn Ninh
(Thị trường tài chính) - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinconex, mã: VCG) vừa thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh cho các nhà đầu tư quan tâm.
Cụ thể, VCG sẽ nhượng lại toàn bộ 2 triệu cổ phần đang sở hữu cho các nhà đầu tư quan tâm. Tiến độ hoàn thành giao dịch trước ngày 20/6/2024. Lý do thoái vốn không được công bố.
Trên báo cáo tài chính gần nhất, Vinaconex đang nắm 40% cổ phần tại Cảng quốc tế Vạn Ninh được duy trì từ tháng 9/2021 đến nay, giá trị đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu là 198,3 tỷ đồng.
Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh được thành lập vào năm 2018, ngành nghề kinh doanh chính là bốc xếp hàng hóa. Doanh nghiệp có vốn điều lệ khi thành lập là 500 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Dương Đông – Sài Gòn (nay là Công ty CP Tập đoàn Dương Đông) nắm giữ 65% vốn, ông Lê Tuấn Long và ông Dương Văn Thành, lần lượt góp 20% và 15% vốn.
Tới ttháng 9/2021, Vinaconex mua lại 40% cổ phần của doanh nghiệp này song không công bố số tiền đã chi.
Cảng Quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 có tổng diện tích 82,79 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng.
Bến cảng được thiết kế hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau. Bên cạnh đó, khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng…
Dự kiến đến năm 2024, Bến cảng sẽ hoàn thành và đi vào khai thác giai đoạn 1. Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh có chức năng đầu mối gom và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc, hình thành chuỗi dịch vụ logistics nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, theo giới thiệu của Vinaconex, bến cảng có thể đáp ứng các yêu cầu bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển và hải đảo khi cần thiết.
Trong quý I, VCG đạt 2.650 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2023, biên lợi nhuận gộp tăng 14%, lên 754 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 16% lên 28%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex trong quý I/2024 là 482,6 tỷ đồng, gấp gần 26 lần mức lãi 18,8 tỷ đồng của quý I/2023 và đây cũng là mức cao nhất kể từ quý I/2022. Lợi nhuận thuộc về cổ đông Công ty mẹ là 463 tỷ đồng.
Vinaconex cho biết nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận năm nay tăng trưởng mạnh là do Tổng công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản góp phần tăng lợi nhuận trong quý I/2024.
Năm 2024, VCG lên kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 950 tỷ đồng. Với kết quả ghi nhận trong quý đầu năm, dù VCG mới thực hiện 18% mục tiêu doanh thu nhưng đã đạt hơn 50% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vinaconex là 29.071 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Cụ thể, tiền và tương đương tiền giảm hơn một nửa về còn 1.309 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 373 tỷ đồng về 1.114,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 124 tỷ đồng về 6.946 tỷ đồng. Riêng hàng tồn kho doanh nghiệp tăng thêm 326 tỷ đồng, lên 7.213,6 tỷ đồng.
Nợ phải trả của VCG còn 18.345 tỷ đồng, giảm được 2.109 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ giảm chủ yếu do phải trả người bán ngắn hạn giảm 640 tỷ đồng, xuống 1.600 tỷ đồng và nợ vay tài chính ngắn hạn giảm 1.535 tỷ đồng, xuống 4.601 tỷ đồng.