Vì sao HNX duy trì diện cảnh báo với PV OIL?
Cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo là vì "Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên"...
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo quyết định về việc duy trì diện cảnh báo và thông báo về trạng thái chứng khoán. Theo đó, HNX cho biết tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty CP (PV OIL) với lý do "Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên", quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14/3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị cảnh báo theo quy định, công ty phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục.
Giải trình về vấn đề này, PV OIL cho biết trong năm 2023 đã khắc phục và xử lý được 2/3 ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trên báo cáo tài chính năm 2022. Hiện báo cáo của doanh nghiệp chỉ còn ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB).
Giá trị khoản đầu tư của PV OIL vào PVB là gần 272 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2023 dựa theo số liệu báo cáo tài chính chưa được kiểm toán của PVB cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022, được lập trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Tổng công ty vẫn đang chờ phê duyệt của các cơ quan về việc triển khai phương án phá sản cho PVB. Dựa trên các thông tin hiện tại, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến khoản đầu tư vào PVB theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.
Đây là khoản đầu tư góp vốn nắm giữ 39,76% vốn điều lệ PVB để ghi nhận thành công ty liên kết và qua đó tham gia xây dựng nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (phát sinh từ trước khi cổ phần hóa). Dự án đã dừng thi công từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn trong tình trạng dở dang, chưa được nhà thầu bàn giao và chưa được nghiệm thu, quyết toán.
Hiện nay, các quy định của Nhà nước chưa có hướng dẫn về trích lập và xử lý các khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các dự án dừng thi công, đang trong tình trạng xây dựng dở dang như Dự án NLSH Phú Thọ.
Trên cơ sở cân nhắc các phương án xử lý với hiện trạng của dự án, PV OIL đang làm việc với các cổ đông của PVB và các bên có liên quan để xem xét, quyết định phương án phá sản theo quy định của pháp luật.
"Nếu PVB hoàn tất thủ tục phá sản hoặc cơ quan Nhà nước có văn bản hướng dẫn xử lý tài chính đối với trường hợp dự án NLSH Phú Thọ thì PV OIL sẽ khắc phục được ý kiến ngoại trừ này", báo cáo giải trình để khắc phục tình trạng cổ phiếu vẫn bị cảnh báo.
Lãnh đạo PV OIL cho biết thêm, vấn đề liên quan đến khoản đầu tư tại PVB đã tồn tại từ trước khi doanh nghiệp chuyển sang hình thức công ty cổ phần và hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển trong tương lai.
Năm 2023, doanh thu thuần của PV Oil đạt 102.669 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 627 tỷ đồng, giảm 13%.
Kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 của PV Oil |
Theo PV Oil, nếu xét về chỉ tiêu sản xuất, doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh khi sản lượng đạt 5,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, hoàn thành 158% kế hoạch năm và tăng trưởng 28% so với năm 2022.
Còn đối chiếu với kế hoạch kinh doanh cả năm đã đặt ra trước đó là thu về 50.000 tỷ đồng doanh thu (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp đã vượt 105% chỉ tiêu doanh thu và 31% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PV Oil ghi nhận ở mức 38.811 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, chủ yếu do sự gia tăng mạnh của khoản phải thu, hàng tồn kho và các khoản tiền, tiền gửi ngân hàng.
Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh 62% so với đầu năm và tăng 70% so với cuối quý III lên mức 13.094 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 28% sau một quý nhưng tăng 42% sau một năm, đạt 4.170 tỷ đồng. Sự tăng mạnh này khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp “đảo cực”, ghi nhận âm 675 tỷ đồng, trong khi năm 2022 con số này là dương 3.176 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của PV Oil tính đến cuối năm là 27.413 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với năm trước đó. Trong đó, nợ tài chính đang ở mức 7.055 tỷ đồng, chủ yếu là do vay ngắn hạn tăng đột biến. Vốn chủ sở hữu của công ty đang ở mức 11.397 tỷ đồng, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,45 lần.
| Giá dầu hồi phục, Dragon Capital 'xả" 1 triệu cổ phiếu PVS Mới đây, Dragon Capital vừa có văn bản về việc bán 1 triệu cổ phiếu PVS của Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Việt ... |
| Giá dầu giảm sâu, PV Oil (OIL) báo lỗ quý IV, dòng tiền kinh doanh âm 675 tỷ Quý IV/2023, PV Oil báo lỗ sau thuế 36 tỷ đồng, lao dốc so với cùng kỳ và các quý liền trước. Cần biết, ba ... |
| "Câu chuyện" của cổ phiếu dầu khí năm 2024 Dự báo trong năm 2024, nhóm doanh nghiệp dầu khí cùng cổ phiếu trên sàn chứng khoán vẫn sẽ được hỗ trợ bởi giá dầu ... |