HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Trước thềm Đại hội cổ đông, ngân hàng cấp tập thay nhân sự cao cấp

Hà Lâm

(Thị trường tài chính) - Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời gian cao điểm các ngân hàng chọn tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2024. Trước thềm sự kiện quan trọng này, một số thay đổi nhân sự thượng tầng quan trọng tại các ngân hàng đã liên tục diễn ra. Những biến động này có mang lại làn gió mới trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng đang là câu hỏi đang được nhiều cổ đông đặt ra?

Người cũ, người mới, người đến, người đi

LPBank, PGBank, ABBank… đã miễn nhiệm, bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao trước khi chuẩn bị bước vào kỳ đại hội cổ đông thường niên năm nay.

LPBank bổ nhiệm thêm một Phó Tổng giám đốc. HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã: LPB) ngày 15/3 đã có thông báo liên quan đến việc bổ nhiệm bà Vũ Nam Hương đảm nhận vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc phụ trách mảng khách hàng doanh nghiệp. Thời gian bổ nhiệm là 12 tháng, ngày bắt đầu có hiệu lực là 20/3/2024.

Trước thềm Đại hội cổ đông, ngân hàng cấp tập thay nhân sự cao cấp - ảnh 1
Bà Vũ Nam Hương- tân Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc LPBank

Bà Vũ Nam Hương là cử nhân chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng với nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp và tổ chức tài chính lớn.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng tại LPBank, bà Hương giữ vị trí giám đốc tài chính của VNDirect từ tháng 7/2017. Từ tháng 8/2020, bà làm Tổng Giám đốc của Tập đoàn I.P.A thay cho ông Vũ Hiền. Trong quá trình công tác tại các đơn vị, bà Hương đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trước đó, trong tháng 2/2024, HĐQT LPBank đã miễn nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc đối với bà Vũ Thu Hiền kể từ ngày 6/2/2024 theo đơn xin thôi việc của nhân sự này. Bà Hiền sinh ngày 7/11/1970 và đã làm phó tổng giám đốc của LPBank kể từ năm 2019. Bà từng có thời gian giữ chức Giám đốc LPBank - chi nhánh Thăng Long.

Sau khi miễn nhiệm bà Hiền và bổ nhiệm mới bà Vũ Nam Hương, ban tổng giám đốc của LPBank sẽ có tổng cộng 11 thành viên, với ông Hồ Nam Tiến giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Ngày 27/4/2024 tới đây, LPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Khách sạn Ninh Bình Legend, số 177 đường Lê Thái Tổ, khu Đô thị Xuân Thành, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình. Tại đại hội, ngân hàng sẽ có tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ IV.

Trước thềm đại hội, PGBank bổ nhiệm loạt nhân sự cao cấp mớiNgân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển - PGBank vừa công bố quyết định bổ nhiệm một loạt nhân sự cao cấp mới.

Trước thềm Đại hội cổ đông, ngân hàng cấp tập thay nhân sự cao cấp - ảnh 2
Kết quả kinh doanh đi xuống, lỗ, nợ xấu tăng... là những câu chuyện khó đang chờ HĐQT PGBank trong năm 2024

Theo đó, ông Trần Văn Luân, Giám đốc Chi nhánh Đông Đô sẽ giữ chức Phó Tổng giám đốc thường trực. Ông Lê Văn Phó, Giám đốc Chi nhánh Hải Dương sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc. Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Chiến, Giám đốc Vùng phụ trách khu vực Miền Nam cũng sẽ giữ vị trí Phó Tổng giám đốc của PGBank. Tất cả các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực từ ngày 12/3/2024, thời hạn tối đa là ba năm.

LỊCH ĐHCĐ CỦA MỘT SỐ NGÂN HÀNG TRONG THÁNG 3 VÀ THÁNG 4/2024

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 4/4/2024. 

Ngày 27/4/2024, LPBank tổ chức ĐHCĐ tại Khách sạn Ninh Bình Legend- TP Ninh Bình.

Ngày 25/4/2024, PGBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) có kế hoạch sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 19/4. 

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, UPCoM: NAB) dự kiến tổ chức đại hội vào thứ 6, ngày 29/3/2024.

Ngày 5/4, ABBAnk tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hội trường Tầng 4, Tòa nhà GELEXIMCO, số 36 phố Hoàng Cầu- Hà Nội.

Như vậy, sau khi bổ nhiệm thêm ba Phó Tổng Giám đốc mới, Ban Điều hành của PGBank sẽ có 6 thành viên, trong đó, bà Đinh Thị Huyền Thanh giữ ghế Tổng Giám đốc.

Dự kiến, ngày 25/4 tới, PGBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với những nội dung liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm nay cùng các thay đổi trong ban quản trị, điều hành ngân hàng,...

VietABank miễn nhiệm một Phó Tổng Giám đốc ngay trước thềm ĐHĐCĐ. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) đã chính thức ra quyết định miễn nhiệm với Phó Tổng Giám đốc Cù Anh Tuấn

Ông Cù Anh Tuấn sinh năm 1972, tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính – Kế toán tại Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), CPA(Certified Public Accountant) Australia – chứng chỉ kiểm toán công của Úc từ tháng 01/2005.

Ông có 23 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam. Ông Tuấn từng có 3 năm công tác tại Techcombank, 4 năm tại Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) và nhiều tập đoàn doanh nghiệp khác (Fujitsu Việt Nam, Motorola...)

Quyết định thay đổi nhân sự của VietABank diễn ra ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng. Theo kế hoạch, VietABank sẽ tổ chức đại hội cổ đông năm nay vào ngày 26/3 tới.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc. Trước thềm ĐHCĐ, HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, HOSE: ABB) vừa công bố miễn nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng giám đốc ngân hàng sau 9 năm đương nhiệm vị trí này.

Ông Nguyễn Mạnh Quân sinh năm 1973 và có hơn 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, từng nắm giữ các vị trí quản lý chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát… tại VID Public Bank, CitiBank, HSBC, SeABank, HDBank.

Ông Nguyễn Mạnh Quân đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc ABBank từ tháng 6/2015, tham gia quản lý chuyên sâu, phụ trách nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau tại ABBank như thẩm định và phê duyệt tín dụng, pháp chế tuân thủ, quản lý rủi ro, xử lý nợ.

Trước đó, vào tháng 2/2024, HĐQT ngân hàng này cũng miễn nhiệm một Phó Tổng Giám đốc khác theo nguyện vọng cá nhân là ông Đỗ Lam Điền (sinh năm 1973) sau 5 năm gắn bó với ngân hàng này.

Trước khi làm việc tại ABBank, ông Đỗ Lam Điền từng giữ các chức vụ như phó tổng giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp, kiêm giám đốc vùng miền Nam tại MSB; Giám đốc Chi nhánh Tân Thuận của ACB; Trưởng phòng Tín dụng - Kế hoạch của Vietcombank; Trưởng phòng Giao dịch Techcombank; Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB; Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực MeKongBank (sáp nhập với MSB); Thành viên HĐQT MSB. Và bắt đầu làm việc tại ABBank kể từ tháng 8/2017.

Với quyết định miễn nhiệm trên, hiện ban điều hành của ABBank còn lại 7 thành viên, trong đó ông Phạm Duy Hiếu giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc.

Ngày 5/4 tới đây, ABBAnk sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hội trường Tầng 4, Tòa nhà GELEXIMCO, số 36 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham gia đại hội là 8/3/2024.

Đại hội sẽ thông qua một số báo cáo hoạt động, kế hoạch kinh doanh năm nay, cùng tờ trình về phân phối lợi nhuận, thù lao của Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát và bầu thay thế thành viên Ban Kiểm soát,...

Hành trang đầy hoa hay đầy gánh nặng chờ HĐQT mới sau kỳ Đại hội cổ đông?

Theo báo cáo tài chính và các tài liệu ngân hàng công bố trước kỳ ĐHCĐ, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng có biến động cổ đông và nhân sự cao cấp liên tục trong năm 2023 đều ở mức hoặc khiêm tốn, hoặc lỗ, hoặc nợ xấu tăng.

Kết thúc quý 4/2023, PGBank ghi nhận khoản lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng, so với khoản lãi gần 119 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Giải trình về lợi nhuận giảm, PGBank cho biết, nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023.

Ngoài ra, PGBank chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, làm cho chi phí hoạt động dịch vụ tăng.

Khoản lỗ trong quý 4/2023 kéo lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của ngân hàng này giảm xuống còn hơn 355 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với năm liền trước và chỉ thực hiện 67% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2023.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PG Bank đạt 55.495 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng tăng tới 21,6%. Số dư nợ xấu tăng, ghi nhận ở mức 905 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng tới 21,5% so với đầu năm.

Mới đây, PGBank đã hoàn thành việc phát hành 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng. Ngoài kế hoạch trên, ngân hàng cũng dự kiến phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền và cứ 15 quyền sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm.

Mức giá phát hành thêm chưa được ngân hàng công bố. Tuy nhiên, trước đó tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào tháng 10, ngân hàng dự kiến mức giá này sẽ không thấp hơn mệnh giá. Sau khi hoàn thành cả hai cấu phần trên, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng.

Tại VietABank, trong quý 4/2023, tất cả mảng kinh doanh lớn của VietABank đều phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng mạnh 56,3% so với cùng kỳ, ghi nhận đạt 789,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc khi đem về cho ngân hàng 243,3 tỷ đồng, tăng 572% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng 280%, đạt gần 123 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng tăng 64% so với cùng kỳ, ghi nhận đạt 26 tỷ đồng.

Những hoạt động như kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và góp vốn, mua cổ phần đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận của VietABank.

Nhiều mảng kinh doanh khởi sắc trong quý IV/2023, theo đó tổng thu nhập hoạt động của VietABank đã tăng lên mức 1.185 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại được tiết giảm 9,9%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại ngân hàng này tăng 189,6%, ghi nhận đạt 945,6 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, VietABank cũng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận ở mức 609,5 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ còn 336 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Phần lớn chi phí dự phòng rủi ro của VietABank được dồn vào quý IV/2023. Lũy kế cả năm, khoản mục này ở mức 675,3 tỷ đồng, gấp gần 11 lần so với 2022.

Mặc dù quý IV đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của VietABank vẫn giảm khi chi phí dự phòng tăng cao. Lợi nhuận cả năm của VietABank giảm hơn 14%, ghi nhận đạt 928 tỷ đồng trước thuế và 758,3 tỷ đồng sau thuế. Theo đó, ngân hàng này chỉ thực hiện được 73% kế hoạch đề ra cho cả năm 2023.

Tại ABBank, kế hoạch kinh doanh năm 2024, ngân hàng ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt mức 1.000 tỷ đồng, tăng tới 95% so với kết quả thực hiện được trong năm 2023 vừa qua (theo số liệu trên báo cáo riêng lẻ, lợi nhuận năm 2023 của ABBank đạt 513 tỷ đồng). Mặc dù vậy, nếu so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông 2023 thông qua là 2.826 tỷ đồng, kế hoạch của năm nay của ABBank chỉ bằng 1/3 so với năm 2023, cũng như thấp hơn nhiều so với kết quả thực hiện của năm 2022 là 1.686 tỷ đồng và bằng một nửa lợi nhuận năm 2021.

Về các chỉ tiêu kế hoạch khác, ABBank dự kiến tổng tài sản mở rộng thêm 5% lên 170.000 tỷ đồng, huy động từ khách hàng tăng ở mức 113.349 tỷ đồng, tăng 13%. Dư nợ tín dụng cũng được kỳ vọng tăng trưởng 13% lên mức 116.272 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 3%, ngang bằng so với con số của năm 2023.

Mặc dù vậy, tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập theo kế hoạch được ngân hàng này dự báo sẽ giảm 7,34 điểm %, xuống còn 13,66% so với năm 2023.

Về việc phân phối lợi nhuận, với mục đích nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai, theo đó Hội đồng quản trị ABBank đề xuất sẽ giữ lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối.

Trong tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023, Hội đồng quản trị ABBank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2023 là 398,2 tỷ đồng. Theo đó, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 298,7 tỷ đồng. Ngoài ra, cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước đây chưa sử dụng là 1.542 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang ở mức 1.840,7 tỷ đồng.

Trong năm 2023, ngân hàng này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.530 tỷ đồng. Giai đoạn ba năm 2021 đến 2023, ngân hàng đều liên tục nâng vốn điều lệ.