Hai sắc thái mùa Đại hội cổ đông: Người rủng rỉnh cổ tức, bên mòn mỏi đợi chờ
(Thị trường tài chính) - Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đang đến gần. Trong khi cổ đông của nhiều doanh nghiệp rủng rỉnh cổ tức tiền mặt thì hàng loạt cổ đông lại rỗng túi khi đầu tư vào các công ty có kết quả kinh doanh èo uột, thua lỗ.
Nhiều cổ đông sẽ được nhận cổ tức tiền mặt sau cả thập kỷ
Quý 4/2023, Techcombank ghi hận lợi nhuận trước thuế đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra ở mức 22 nghìn tỷ được thông qua trước đó.
Nhờ tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý 4/2023 và vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra, Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Đây hẳn là điều mà nhiều cổ đông Techcombank mong chờ từ rất lâu, khi trước đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt từng được cổ đông của Techcombank chất vấn HĐQT tại mỗi kỳ ĐHCĐ suốt 10 năm qua.
Tại kỳ đại hội hội trước đó hồi tháng 4/2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank từng cho biết, có thể sẽ có thay đổi và năm 2023 là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Một ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt trong năm nay là Ngân hàng Quốc tế (VIB). Ngân hàng này vừa công bố lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng. Với lợi nhuận này, VIB đã quyết định chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Như vậy, cổ đông sẽ được nhận 600 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong năm 2023, VIB đã có 2 đợt chia cổ tức vào tháng 3 và tháng 5 với tỷ lệ chia lần lượt là 10% và 5%. Ngoài ra, VIB cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%. Đồng thời, ngân hàng phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu cho người lao động ESOP vào tháng 6/2023. Vốn điều lệ của VIB theo đó tăng lên 25.368 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm “lỡ hẹn” với cổ đông, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) chốt quyền chi trả cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền với tỷ lệ 4%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ nhận 400 đồng. Với hơn 318 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, CII sẽ phải chi hơn 127 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông trong đợt này.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2024, công ty này đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 cũng bằng tiền mặt với tỷ lệ 4%.
Công ty Cổ phần Tư vấn Sông Đà (SDC) cũng không để cổ đông bị “thiệt thòi” khi chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Như vậy, với mỗi cổ phiếu, cổ đông sẽ nhận về 500 đồng.
Lợi nhuận giảm sút, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự
Trái ngược với không khí rộn ràng của cổ đông các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực, HĐQT các doanh nghiệp khó khăn lại đang đau đầu với nhiều vấn đề lớn mùa ĐHCĐ. Đó là cổ tức, là lợi nhuận, là thù lao lãnh đạo, là vấn đề nhân sự...
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PG Bank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 với mức lỗ 4,64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi tới 118 tỷ đồng. Nguyên nhân kết quả kinh doanh trong quý 4 kém khả quan là do PGBank bị lỗ ở nhiều hoạt động phi tín dụng, trong khi đó chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh.
Một ông lớn trong ngành dệt may là Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) đã mạnh tay cắt giảm từ 1.982 nhân sự xuống còn 185 người, tương đương giảm 91%. Đến ngày 30/9/2024, cả công ty này thậm chỉ còn 37 nhân viên. “Công ty hiện không có đơn hàng, với tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều, nên GMC đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa”, đại diện GMC thông tin.
Khép lại năm tài chính 2023, GMC ghi nhận gần 8,3 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm 97% so với năm 2022 và lỗ sau thuế xấp xỉ 52 tỷ đồng. Tính tới quý III năm nay, doanh nghiệp dệt may này đã lỗ liên tiếp 5 quý. Lỗ lũy kế gia tăng, ở mức gần 66 tỷ đồng.