HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Trúng thầu 100.000 tấn gạo, Lộc Trời nói gì về việc “bỏ thầu giá gạo xuất khẩu rẻ“?

Nhị Hà (tổng hợp)

(Thị trường tài chính) - Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) vừa trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog), trên tổng số 300.000 tấn mà Bulog đấu thầu vào đợt này.

Trong đó, công ty mẹ Lộc Trời trúng thầu 60.000 tấn và là lần trúng thầu thứ 6 tính từ tháng 8/2023 đến nay. Công ty thành viên là Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài cũng có lần đầu tiên trúng thầu với sản lượng 40.000 tấn gạo xuất sang Indonesia.

Toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC). Lộc Trời và công ty thành viên sẽ thu về trên 55 triệu USD (tương đương trên 1.300 tỷ đồng) khi hoàn tất.

Trúng thầu 100.000 tấn gạo, Lộc Trời nói gì về việc “bỏ thầu giá gạo xuất khẩu rẻ“? - ảnh 1

Đáng chú ý, Lộc Trời và công ty có liên quan trúng thầu 100.000 tấn gạo kể trên với giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong các đơn vị tham gia dự thầu và thấp hơn 16 USD so với giá chào ban đầu là 579 USD/tấn.

So với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Lộc Trời cũng thấp hơn đến 24 USD/tấn.

Nói về vấn đề giá cả, đại diện Lộc Trời cho biết khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bù đắp được các khoản chi phí, tập đoàn có lợi nhuận đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài.

"Mức giá của đơn hàng 100.000 tấn lần này đáp ứng các yêu cầu trên đồng thời phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu của 6-8 triệu tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu hàng năm ra thị trường thế giới" - đại diện Lộc Trời nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời chia sẻ nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn vì cần ứng tiền đầu tư cho bà con nông dân trong vùng liên kết sản xuất sau đó phải thanh toán “liền tay” cho nông dân tiền mua lúa lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi vụ. Điều này khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như thời gian đáo hạn ngắn khiến dòng tiền dễ bị sự cố.

"Mong rằng Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nguồn vốn để các doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư khi tổ chức liên kết sản xuất lớn từ đó nâng cao năng suất, chất lượng tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trên thương trường quốc tế", ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.

Trước đó, báo cáo hồi đầu tháng 5 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết Tập đoàn Lộc Trời còn nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2023-2024.

Đến ngày 21/5, Lộc Trời cho biết đã phối hợp với TPBank hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu kể trên.

Theo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, việc doanh nghiệp ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn tạo điều kiện cho tiêu thụ lúa gạo của bà con nông dân dễ dàng hơn. Nhưng nếu giá bỏ thầu quá thấp, dù nằm trong quyền hạn của doanh nghiệp, thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường lúa gạo trong nước nói chung, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân trồng lúa.

Một thành viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết theo quy chế thực hiện hợp đồng xuất khẩu tập trung của VFA, giá xuất vào thị trường tập trung quyết định khung giá cho gạo VN xuất sang các thị trường khác.

Việc hai DN Việt "xé rào" chào bán gạo cho Indonesia với giá quá thấp sẽ khiến giá gạo xuất khẩu tập trung với số lượng lớn bị ảnh hưởng.