Thủy sản Hà Nội bị phạt và truy thu thuế hơn 1.4 tỷ
(Thị trường tài chính) - CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (UPCoM: SPH) vừa nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục thuế TP Hà Nội.
Theo đó, SPH đã thực hiện hành vi vi phạm chính về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cụ thể, tháng 12/2020, tháng 12/2021, đơn vị chưa phân bổ, phân bổ sai thuế GTGT đầu vào dùng cho doanh thu không chịu thuế. Tiếp đó, 4 tháng từ tháng 9-12/2021; 12 tháng của năm 2022 kê khai sai doanh thu không phải kê khai tính thuế GTGT. Các ngày 24, 25 và 28/09; 26 và 27/11; 29/12/2020, đơn vị có hành vi bán hàng không xuất khóa đơn.
Ngoài ra, SPH cũng có hành vi vi phạm chính về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Cụ thể, đơn vị điều chỉnh giảm sai doanh thu tính thuế TNDN năm 2019 dẫn tới thiếu số thuế phải nộp. Tiếp đó, đơn vị hạch toán vào chi phí hóa đơn không hợp pháp năm 2020. Đơn vị cũng kê khai thiếu thu nhập khác như tiền tạm ứng từ năm 2008 khách hàng đã đóng mã số thuế không phải trả lại.
Với loạt vi phạm trên, Công ty bị phạt hành chính hơn 302 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc phải nộp đủ số tiền thuế TNDN thiếu vào ngân sách Nhà nước gần 834 triệu đồng và khoản chậm nộp thuế gần 331 triệu đồng. Ngoài ra, SPH buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi bán hàng không xuất hóa đơn.
Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp hơn 1.4 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2023.
Về kết quả kinh doanh, năm 2022, SPH ghi nhận doanh thu thuần hơn 344 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do các chi phí đầu vào biến động mạnh nên chi phí giá vốn tăng mạnh hơn với 138%; chi phí bán hàng tăng 97%; chi phí quản lý tăng 16%, hơn nữa doanh thu tài chính lại giảm 55%.
Đáng chú ý, chi phí cố định của Công ty (cụ thể là chi phí tiền thuê đất năm 2022 tăng 39%), trong khi doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí chung. Kết quả, SPH lỗ ròng gần 5 tỷ đồng, là năm thứ hai thua lỗ liên tiếp kể từ khi đạt đỉnh lợi nhuận hơn 28 tỷ đồng vào năm 2021. Tính tới thời điểm 31/12/2022, lỗ lũy kế của Công ty gần 3 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng của SPH từ năm 2010-2022 | ||
Tại cuối năm 2022, tổng tài sản của SPH ở mức 150 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Nợ phải trả là 45 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn.
Trên thị trường chứng khoán, hết phiên sáng 04/12, thị giá SPH chững ở mốc tham chiếu 15,000 đồng/cp, đi ngang hơn 4 tháng trở lại đây. So với đầu năm, giá cổ phiếu này tăng hơn 11%, gần như “trắng” thanh khoản.
Diễn biến giá cổ phiếu SPH từ đầu năm 2023 đến nay | ||
Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (SPH) tiền thân là Doanh nghiệp Nhà nước, thành viên của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex, UPCoM:SEA). Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 01/01/2007 và được giao dịch lần đầu trên UPCoM từ 20/05/2014 với mãSPH. SPHhoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản, nông sản, thực phẩm; kinh doanh sắt thép và cung cấp các dịch vụ khác. Công ty hiện có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Seaprodex là công ty mẹ sở hữu 59.34% vốn. Ngoài ra,SPHđang có 5 đơn vị trực thuộc là chi nhánh tại các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, TP Hồ Chí Minh. |