Thủng đáy lịch sử, một cổ phiếu xây dựng về thị giá "trà đá"
(Thị trường tài chính) -Trong khi thị trường thăng hoa trong tuần vừa qua thì cổ phiếu LCC của CTCP Xi măng Hồng Phong đã giảm kịch sàn xuống 1.000 đồng/cp và ghi nhận mức giá đáy lịch sử sau 20 phiên đi ngang.
Tuần qua (từ 19/8- 24/8), thị trường có tuần hồi phục tích cực với thanh khoản cũng có sự cải thiện đáng kể. Dòng tiền tích cực là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số VN-Index trong tuần qua.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 33,09 điểm (+2,64%), lên 1.285,32 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 4,92 điểm (+2,09%), lên 240,07 điểm.
Các nhóm ngành cùng có diễn biến tích cực trong tuần qua, khi số ngành tăng điểm chiếm ưu thế, trong đó đáng chú ý là diễn biến khá ấn tượng đến cổ phiếu bất động sản dân cư, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…
Tuy nhiên, đi ngược với thị trường, tuần qua có một mã cổ phiếu vật liệu xây dựng thủng đáy lịch sử, đó chính là LCC của CTCP Xi măng Hồng Phong. Chỉ trong phiên 23/8, cổ phiếu LCC đã giảm kịch sàn xuống 1.000 đồng/cp và ghi nhận mức giá đáy lịch sử sau 20 phiên đi ngang. Nhìn rộng hơn, thị giá mã vật liệu xây dựng này đã “bốc hơi” hơn 90% chỉ sau một năm, vốn hóa theo đó còn vỏn vẹn 5,8 tỷ đồng.
CTCP Xi măng Hồng Phong được thành lập năm 2006, là doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCOM từ tháng 5/2010 với mã chứng khoán LCC. Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Lâm. Ông Trần Duyên Tùng là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của LCC.
Đây là công ty cổ phần có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất xi măng, vôi và thạch cao. Hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023, toàn bộ tài sản, tài sản gắn liền với đất, cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị máy móc dây chuyền của nhà máy Xi măng Hồng Phong được Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú rao bán với mức giá 151 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, vẫn chưa có khách hàng nào muốn mua lại.
Theo danh sách cổ đông của công ty, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Lợi là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 38,78% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Văn Thủy là cổ đông lớn thứ hai với tỷ lệ 22,05%.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khá "thê thảm" khi báo lỗ 12 năm liên tiếp. Hiện cổ phiếu LCC vẫn đang bị hạn chế giao dịch do không tổ chức họp ĐHĐCĐ TN 2 năm tài chính gần nhất.
Cổ phiếu của LCC liên tục giảm trong bối cảnh doanh nghiệp và ngành xi măng gặp khó khăn. Cụ thể, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ có 44.600 tấn xi măng và clinker được xuất sang thị trường Trung Quốc, mang về dòng ngoại tệ chưa đến 1,57 triệu USD, trong khi nửa đầu năm 2023 là hơn 24 triệu USD.
Năm ngoái, Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành xi măng nhưng đã giảm nhập khẩu tới 90%, do nhu cầu yếu xuất phát từ tình hình khó khăn của ngành bất động sản nước này. Không chỉ vậy, quốc gia này cũng đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang các thị trường chính nhập khẩu xi măng của Việt Nam, khiến sự cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu trở nên gay gắt hơn