Tập đoàn Cao Su Việt Nam lãi lớn
(Thị trường tài chính) - Tập đoàn Cao su Việt Nam báo lãi sau thuế trong quý II/2024 đạt 343,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã: GVR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 397,7 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; giá vốn hàng bán đạt 382,3 tỷ đồng, tăng 20,6%, lãi gộp ở mức 15,4 tỷ đồng, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 16,8% lên 448 tỷ đồng; trong khi đó chi phí lãi vay giảm 53% xuống 62,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm mạnh từ 1,3 tỷ đồng xuống 382 triệu đồng; chi phí quản lý ở mức 58,6 tỷ đồng, tăng 65,3%.
Kết quả, GVR báo lãi sau thuế đạt 343,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình về kết quả này, GVR cho biết nguyên nhân do lợi nhuận được chia cao hơn so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 764,2 tỷ đồng, tăng 62,5%; lãi sau thuế đạt 522,3 tỷ đồng, tăng tới 88,4% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tính tới cuối quý II/2024, tổng tài sản của GVR đạt 44.152 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 66% xuống 275 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn tăng 35,6% lên 3.177 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 83%, ở mức 8,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, GVR rót vào các công ty con 31.403 tỷ đồng, trong đó rót vào Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai là 3.026 tỷ đồng; rót vào Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng 2.531 tỷ đồng; Công ty TNHH Cao su Phú Riềng là 1.500 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông hơn 1.000 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh 1.152 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang là 1.452 tỷ đồng... Doanh nghiệp cũng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết gần 5.750 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả ở mức 242,3 tỷ đồng, giảm 41,6% so với đầu năm; phải trả người bán giảm 78,4%, ở mức 21,5 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước cũng giảm mạnh từ 14,4 tỷ đồng xuống hơn 500 triệu đồng; phải trả người lao động cũng giảm 74% xuống 7,5 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn là 15,8 tỷ đồng giảm 50% so với đầu năm; vay nợ dài hạn không biến động ở mức 31,5 tỷ đồng.
Liên quan đến GVR, ngày 17/7, Bộ Công an cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Thuận - nguyên thành viên HĐTV, tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, về tội nhận hối lộ; bà Nguyễn Thị Hồng - nguyên phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, phó chủ tịch UBND TP.HCM, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Võ Sỹ Lực - nguyên chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam và Trần Thoại - thành viên HĐTV, phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trước đó, ngày 28/6 GVR đã có nhận đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị GVR của ông Trần Ngọc Thuận ghi ngày 20/6/2024. Theo đó, GVR đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản trị và đã thống nhất thông qua việc tiếp nhận đơn từ nhiệm của ông Trần Ngọc Thuận theo Nghị quyết số 162/NQ-HĐQTCS VN ngày 28/6/2024 của Hội đồng quản trị Tập đoàn.
Thông tin về vụ việc này, Tập đoàn cho biết, Hội đồng quản trị Tập đoàn đã phân công lại nhiệm vụ các Thành viên Hội đồng quản trị theo Nghị quyết số 172/NQ-HĐQTCSVN ngày 11/7/2024 để đảm bảo việc chỉ đạo, quản lý điều hành Tập đoàn được liên tục và thông suốt.
Theo GVR thì sự vụ xảy ra trong giai đoạn trước năm 2015 và trước khi Tập đoàn chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (từ ngày 01/6/2018), hiện Tập đoàn đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.