PV Power: Người thân Kiểm toán nội bộ PV Power mua “chui” cổ phiếu POW, tiền mặt “bốc hơi” mạnh
(Thị trường tài chính) - Ông Đán, chồng bà Nguyễn Thị Hằng - Kiểm toán nội bộ của PV Power, đã vi phạm quy định này khi không thực hiện việc đăng ký trước giao dịch.
Trong một báo cáo mới đây, ông Ngô Nguyên Đán đã thừa nhận việc không tuân thủ quy định về giao dịch cổ phiếu khi mua 5.000 cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power, mã: POW) vào ngày 8/7 mà không đăng ký trước.
Theo quy định, những cá nhân có liên quan đến người nội bộ của công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch ít nhất 5 ngày trước khi thực hiện. Ông Đán, chồng bà Nguyễn Thị Hằng - Kiểm toán nội bộ của PV Power, đã vi phạm quy định này khi không thực hiện việc đăng ký trước giao dịch.
Trong báo cáo giải trình, ông Đán lý giải rằng do không thường xuyên giao dịch chứng khoán và chỉ thực hiện giao dịch ngắn hạn với khối lượng nhỏ, ông không nắm rõ các quy định về giao dịch cổ phiếu cũng như yêu cầu công bố thông tin đối với người liên quan đến người nội bộ.
“Đây là lần đầu tiên tôi mắc sai sót này, vì vậy tôi xin báo cáo giải trình và cam kết thực hiện nghiêm túc đúng quy định trong các lần giao dịch sau,” ông Đán viết trong báo cáo.
Hiện tại, cổ phiếu POW đang giao dịch ở mức giá cao nhất trong vòng 2 năm, đạt 15.100 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 11/7), tăng 34% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường của PV Power hiện đạt 35.700 tỷ đồng, lớn nhất trong ngành điện trên sàn chứng khoán.
Tiền mặt “bốc hơi” 16%
Theo BCTC Hợp nhất quý I/2024 của PV Power, trong quý đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm mạnh với doanh thu thuần ở mức 6.243 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là doanh thu bán điện với 6.211 tỷ đồng, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của PV Power đạt 377 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp theo đó giảm mạnh, chỉ đạt 6%, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 9,1%.
Trong kỳ, PV Power có khoản doanh thu tài chính 101 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng giảm. Bên cạnh đó, công ty có khoản thu nhập khác 74 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính ở mức 154 tỷ đồng, tăng 10%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 8%, xuống còn 116 tỷ đồng.
Kết quả trong quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của PV Power đạt 216 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của PV Power đạt 72.549 tỷ đồng, tăng 3,1% so với thời điểm 31.12.2023. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là tài sản cố định với 25.709 tỷ đồng (chiếm 35% trong cơ cấu tài sản), giảm 2,6% so với thời điểm cuối năm 2023.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm tỷ lệ khá lớn (chiếm 21% trong cơ cấu tài sản) với 15.636 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cuối năm 2023. Chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng với 14.122 tỷ đồng, tăng 11% và phải thu ngắn hạn khác 1.050 tỷ đồng. PV Power trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi 517 tỷ đồng.
Tài sản dở dang dài hạn với 11.409 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn bộ con số này là các khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Trong đó, phần lớn là giá trị xây dựng dở dang tại Dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3, 4 với 10.802 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cuối năm 2023.
Tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng đạt mức 9.108 tỷ đồng, giảm 16% so với con số 10.830 cuối năm 2023. Trong đó, chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng với 7.158 tỷ đồng và tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 12 tháng 1.570 tỷ đồng.
Hàng tồn kho cuối quý I ở mức 1.821 tỷ đồng, giảm 16% so với cuối năm 2023, phần lớn là nguyên vật liệu với 1.793 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn khác 1.810 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.
Tài sản dài hạn khác đạt 6.094 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cuối 2023, bao gồm chi phí trả trước dài hạn 5.395 tỷ đồng; tài sản thuế thu nhập hoãn lại 76 tỷ đồng; thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn 622 tỷ đồng.
PV Power cũng có khoản đầu tư vào công ty liên kết và đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác đạt 984 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào công ty liên kết 585 tỷ đồng theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Bao gồm: CTCP Thủy điện Nậm Chiến 495 tỷ đồng; CTCP Năng lượng Sông Hồng 60 tỷ đồng và CTCP Điện khí LNG Quảng Ninh 29 tỷ đồng; đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác 399 tỷ đồng. Công ty trích lập dự phòng rủi ro 24,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.