Lãi gộp của Thủy sản Nam Việt giảm sâu tới 50% trong quý đầu năm 2024
(Thị trường tài chính) - Quý đầu năm, giá vốn hàng bán của Thủy sản Nam Việt giảm ít hơn doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp ở mức 101,2 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Nam Việt (Navico, HoSE; ANV) vừa công bố tình hình kinh doanh hợp nhất quý đầu năm 2023 với doanh thu đạt 1.016 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu bán thành phẩm giảm từ 1.123 tỷ đồng xuống còn 984 tỷ đồng. Các khoản doanh thu khác như năng lượng mặt trời biến động không đáng kể, ở mức 27,4 tỷ đồng. Khoản doanh thu từ công trình xây lắp đã không còn ghi nhận trong kỳ này (quý I/2023 khoản này mang về 2,7 tỷ đồng).
Giá vốn hàng bán giảm ít hơn doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ở mức 101,2 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 42%, còn 5,2 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 32%, đạt 36,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng giảm 37%, chỉ còn 34,4 tỷ đồng. Khoản thu nhập từ bồi thường của Navico giảm từ 3,4 tỷ đồng xuống còn 1,86 tỷ đồng trong quý này.
Khép lại, quý đầu năm Navico ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 16,9 tỷ đồng, giảm sâu 81% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, Navico đặt mục tiêu đạt 306 tỷ đồng lãi ròng, với kết quả này, ANV mới chỉ hoàn thành 5,5% kế hoạch năm.
Tổng tài sản của Navico ở mức 5.062 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024, giảm 0,9% so với mức 5.112 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2024. Trong đó, khoản tiền mặt của doanh nghiệp đang ở mức 32,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4%. Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng 74%, đạt 35,8 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn khác cũng tăng từ 28 tỷ đồng lên 44 tỷ đồng, trong đó tạm ứng từ các tổ chức và cá nhân tăng từ 2,9 tỷ đồng lên 18,3 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp tại ngày 31/3/2024 ở mức 2.325 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với mức 2.363 tỷ đồng tại ngày đầu năm. Biến động lớn của hàng tồn kho chủ yếu ở phần chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (giảm từ 948 tỷ đồng xuống còn 797 tỷ đồng) và nguyên, vật liệu (tăng từ 427 tỷ đồng lên 525 tỷ đồng).
Nợ của Navico đến ngày cuối quý 1/2024 đạt 2.197 tỷ đồng, giảm 2,9% so với mức 2.264 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2024. Trong đó, vay dài hạn tăng từ 144 tỷ đồng lên 173 tỷ đồng; vay ngắn hạn lại giảm từ 1.783 tỷ đồng xuống còn 1.753 tỷ đồng.
Kỳ vọng của ANV đang rất lớn, nhưng theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), ngành hàng cá tra vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ đi xuống, và dự báo phải mất một thời gian khá dài để có thể phục hồi khi cung - cầu đạt mức cân bằng trở lại.
Giá bán cá tra hiện nay cũng đang ở mức thấp, ở thị trường Trung Quốc giá cá tra trung bình khoảng 2,09 USD/kg, giảm 6% so với cùng kỳ, trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ thời điểm cuối năm dao động ở mức 2,43 USD/kg, giảm 18%. Trong 2 tháng đầu năm, giá cá tra có sự hồi phục nhẹ nhưng quay đầu giảm vào tháng 3.
Mục tiêu, chiến lược sản xuất của ANV là tích cực đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo môi trường; tìm kiếm thêm khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện hữu. Đồng thời, duy trì năng lực sản xuất và cải thiện kỹ thuật nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Hiện nay, Navico đã đảm bảo tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Trong đó gồm: 10 lines nhà máy thức ăn với công suất hơn 1.000 tấn thành phẩm/ngày; 14 vùng nuôi cá CTCP Nam Việt với tổng diện tích mặt nước đạt 152 ha; Gần 600 vùng nuôi Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt – Bình Phú; 4 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 1.000 tấn cá nguyên liệu/ngày.