Vì sao doanh nghiệp “chê” đấu thầu vàng?

Lệ Giang

(Thị trường tài chính) - Sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu lại vàng miếng vào hôm nay (22/4). Tuy nhiên, phiên đấu thầu đã bị hủy với lý do “không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc”. Trước thông tin này, phóng viên Chuyên trang Thị trường Tài chính – Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh để làm rõ hơn một số vấn đề.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, theo ông, vì sao trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu đang nóng như hiện nay nhưng DN lại không mấy mặn mà với phiên đấu thầu vàng, dẫn đến tình trạng NHNN phải hủy và lùi lịch đấu thầu do không đủ thành viên đăng ký?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo quy chế của NHNN, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng miếng cần phải đặt cọc. Điều kiện để tham gia là phải chấp nhận mức giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng. Tôi cho rằng mức giá này quá cao so với giá trung bình của thế giới và nó cũng cao trong điều kiện giá vàng miếng đang có xu hướng giảm đi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp người ta không đăng ký đấu thầu cũng là lẽ đương nhiên, dễ hiểu. Thậm chí, giá 81,8 triệu đồng tham chiếu còn đắt hơn cả mức giá ngay trong phiên sáng nay. Vậy thì người ta bỏ tiền ra mua ngoài thị trường còn hơn là đi đấu thầu.

Vì sao doanh nghiệp “chê” đấu thầu vàng? - ảnh 1

Trong thông báo gửi mời đấu thầu, NHNN có lưu ý “Trong trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy kết quả thầu”. Lưu ý này liệu có phải một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngần ngại?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Có thể coi là như vậy. Nói đến việc sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, NHNN được quyền hủy kết quả, như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn. Bên cạnh việc họ phải đấu thầu theo thị trường, giá vàng lúc lên lúc xuống khó kiểm soát, bây giờ đấu thầu vàng của NHNN xong lại thông báo đối tác họ không cung cấp đủ. Như vậy nghiễm nhiên NHNN không phải bồi thường, nó quá an toàn cho NHNN khiến rủi ro phía doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng bị tăng lên 1 bậc.

Việc hủy phiên đấu thầu vàng miếng sáng nay đã tác động đến thị trường trong nước như thế nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Khi thông báo hủy, người ta biết rằng hôm nay lượng vàng trong thị trường không tăng lên, nên những người kinh doanh ngay lập tức đẩy cao giá vàng. Giá vàng đã có thời điểm tăng lên trên 81 triệu đồng/lượng, trong khi trước đó hạ xuống còn hơn 80 triệu. Bản chất vấn đề là người ta trả tiền cho NHNN, sau đó vài ngày người ta mới nhận được vàng. Lúc nhận được người ta còn phải phân bổ về cho các đầu mối, qua bao nhiêu công đoạn rồi người ta mới có thể mang bán ra thị trường. Lúc đó bản thân doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không biết hiệu quả đến đâu cả.

Vì sao doanh nghiệp “chê” đấu thầu vàng? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo ông, NHNN và các bên liên quan cần thiết xây dựng các giải pháp, kế hoạch như thế nào để thu hút sự tham gia của nhiều nhà vàng vào các phiên đấu thầu cũng như đảm bảo thành công cho các phiên đấu thầu tiếp theo?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đầu tiên phải là xây dựng được mức giá phù hợp để người đấu thầu tính toán được lợi ích của họ. Việc này phía NHNN có lẽ đã nhận ra nên ngay lập tức điều chỉnh mức tham chiếu xuống 1,1 triệu đồng/lượng, còn 80,7 triệu đồng/lượng cho phiên đấu thầu vàng vào sáng mai (23.4), thay vì mức giá của phiên hôm nay là 81,8 triệu đồng.

Thứ hai về phần đặt cọc cũng phải xem xét, hiện nay đặt cọc đang là 10%, đây cũng được nhận định là mức cọc khá lớn khiến nhiều doanh nghiệp xem xét. Cái thứ ba là phía NHNN lưu ý, nếu không cung cấp được thì họ hủy, điều này thực ra cũng gây khó cho phía doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Ông nhận định như thế nào về triển vọng của thị trường vàng miếng trong thời gian tới khi hoàn tất việc đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đấu thầu xong gần 17.000 lượng vàng thì thị trường cũng đỡ áp lực về cung, góp phần hạ giá vàng ở một góc độ nào đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lắng nghe cầu của thị trường đến đâu để cung cho phù hợp.

Thật ra cung là cả vấn đề khi mà bên Hiệp hội vàng cho rằng cần nhập khẩu khoảng 1,5 tấn vàng mới đủ nhu cầu thị trường. Như vậy rõ ràng với 16.800 lượng đấu thầu thì không thấm vào đâu.

Việc tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế, tôi cho rằng đây chưa phải giải pháp căn cơ. Vấn đề về lâu dài chúng ta cũng cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Vâng xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi!

9 giờ sáng hôm nay (23/4), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành đấu thầu vàng miếng tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước sau khi hủy lịch đấu thầu ngày hôm qua.

Số lượng vàng đấu giá vẫn giữ nguyên là 16.800 lượng vàng miếng SJC với mức giá tham chiếu là 80,7 triệu đồng lượng. Mức giá này đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với giá tham chiếu 81,8 triệu đồng dự kiến trước đó.

Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng vàng miếng SJC. Để tham gia đấu thầu, các thành viên được yêu cầu đặt cọc 10% giá trị đặt mua (so với giá tham chiếu).

Theo quy định, mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá tham chiếu do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Đây là lần đầu tiên sau 11 năm NHNN tổ chức một phiên đấu thầu vàng miếng. Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.