Hóa chất Đức Giang “thăng hoa” thế nào sau thương vụ thoái vốn của Vinachem?

Nhị Hà

(Thị trường tài chính) - Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) vừa có thông tin chính thức liên quan đến quá trình thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại doanh nghiệp này.

Tại công bố thông tin ngày 3/6, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang nêu rõ: “Tập đoàn Hóa chất Đức Giang không nhận chuyển nhượng cổ phần từ việc thoái vốn của Vinachem. Vinachem thực hiện thoái vốn thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh”.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng cho biết, trong hai ngày cuối tuần (ngày 1/6 và ngày 2/6), lượng lớn nhà đầu tư, cổ đông đại diện cho tổ chức và cá nhân đã gọi điện và nhắn tin bày tỏ lo ngại việc Vinachem thoái vốn khỏi Tập đoàn Hóa chất Đức Giang có vi phạm quy định của pháp luật hay không và tập đoàn có bị ảnh hưởng liên đới không?

"Trong sáng nay ngày 3/6/2024, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang điều chỉnh giảmvề ức 121.500 đồng/cổ phiếu, giảm 4.500 đồng/cổ phiếu so với mức giá đóng cửa ngày 31/5/2024. Việc này làm cho giá trị vốn hóa của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang bị giảm 1.709 tỷ đồng", văn bản nêu.

Hóa chất Đức Giang “thăng hoa” thế nào sau thương vụ thoái vốn của Vinachem? - ảnh 1

Được biết, việc thoái vốn của Vinachem khỏi Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) nằm trong khuôn khổ Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020, thuộc Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vinachem là cổ đông lớn và có liên quan đến người nội bộ của DGC.

Tại thời điểm 30/9/2021, Vinachem sở hữu hơn 15,1 triệu cổ phần DGC, tương đương 8,85% tổng số lượng cổ phần lưu hành của DGC.

Từ ngày 8/11/2021 đến ngày 7/12/2021, Vinachem đã bán thành công hơn 9,1 triệu cổ phiếu DGC và còn lại hơn 6 triệu cổ phiếu chưa bán hết. Tiếp đó, Vinachem tiếp tục giao dịch bán cổ phiếu DGC từ ngày 13/1/2022 đến ngày 11/2/2022, nhưng không thành công. Vì vậy, Vinachem thông báo bán tiếp vào tháng 3/2022 và hoàn tất việc bán toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC, tương đương 3,53% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của DGC, từ ngày 3/3 đến ngày 10/3/2022.

Cổ phiếu DGC tăng mạnh sau khi Nhà nước thoái vốn

Vào tháng 10/2021, giá cổ phiếu DGC gần 70.000 đồng/cp. Đến đầu tháng 3/2022, giá cổ phiếu này tăng lên gần 100.000 đồng/cp. Sự tăng giá mạnh mẽ này là nhờ vào việc Hóa chất Đức Giang ghi nhận lợi nhuận đột phá sau khi Nhà nước thoái vốn.

Hóa chất Đức Giang “thăng hoa” thế nào sau thương vụ thoái vốn của Vinachem? - ảnh 2
 Lợi nhuận sau thuế của DGC

Trong lần phỏng vấn với Forbes Việt Nam thời điểm tháng 6/2022, Chủ tịch Đào Hữu Huyền chia sẻ, một nhân viên vệ sinh môi trường của công ty cũng có 35 tỷ đồng (hơn 1,3 triệu USD), một kỹ sư có hơn 100 tỷ đồng (hơn 3,9 triệu USD) nhờ sở hữu cổ phiếu DGC. Công ty 2.000 nhân sự năm qua có thêm vài trăm ô tô mới nhờ nhân viên trở nên giàu có hơn.

Bình luận về giá cổ phiếu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết Hóa chất Đức Giang cho biết công ty vẫn đang làm ăn tốt, vẫn có lãi đều, lại còn kinh doanh mặt hàng thời thượng, có tính cạnh tranh. Nếu chiếu theo logic đấy thì cổ phiếu DGC chỉ có lên thôi. "Tuy nhiên nếu kinh tế khó khăn nhà đầu tư tháo chạy, dòng tiền không bơm vào thì cổ phiếu sẽ xuống", ông Huyền nói.

Theo Báo cáo quản trị năm 2023, nhóm cổ đông Chủ tịch HĐQT DGC Đào Hữu Huyền đang nắm 40,75% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2021, DGC báo lãi sau thuế dưới 490 tỷ đồng, nhưng đến quý IV/2021, con số này đã tăng lên hơn 1.400 tỷ đồng. Các quý sau đó, DGC đều ghi nhận lợi nhuận trên 1.500 tỷ đồng. Dù lợi nhuận của DGC giảm trong năm 2023 nhưng vẫn đạt 700-800 tỷ đồng mỗi quý. Trong quý I/2024, lợi nhuận tiếp tục giảm xuống còn hơn 700 tỷ đồng.

Hóa chất Đức Giang dự báo lợi nhuận sẽ giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 700 tỷ đồng trong quý II/2024. Mặc dù lợi nhuận giảm, DGC vẫn nằm trong top các doanh nghiệp có lãi cao trên thị trường và sở hữu lượng tiền mặt lớn. Đến cuối quý I/2024, DGC có khoản tiền gửi ngắn hạn gần 9.500 tỷ đồng.

Từ quý III/2024, Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ quay lại đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chất bán dẫn phục hồi mạnh mẽ và dự án Xút Nghi Sơn đi vào hoạt động từ giữa năm 2025. Mỏ Apatit thứ hai cũng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của DGC trong dài hạn.