Hết đà bán ròng, cổ phiếu MWG có “lấy lòng” khối ngoại?

Hương Trang

(Thị trường tài chính) - Sau 4 tháng liên tục bị khối ngoại xả hàng, bắt đầu từ tháng 12, lực bán ra cổ phiếu MWG của khối ngoại đã giảm đi đáng kể, kết thúc một năm kinh tế buồn của chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy sắp tròn 20 năm tuổi.

Công ty TNHH Thế Giới Di Động (TGDĐ- Mã CK: MWG) được thành lập vào tháng 3/2004, đến nay, doanh nghiệp này sắp tròn 20 năm tuổi.

TGDĐ từng có nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp khủng hoảng kinh tế hay những sự kiện bất khả kháng như Covid. Tuy nhiên, năm 2023, hệ thống bán lẻ điện thoại, điện máy hàng đầu ở Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. 

Mới đây, trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10 vừa công bố, MWG cho biết đang có kế hoạch đóng cửa khoảng 200 cửa hàng trong quý cuối năm. Trên thực tế, trước khi thông tin được đưa ra, nhiều cửa hàng Thế giới di động tại TP.HCM đã treo biển chuẩn bị cho việc ngừng kinh doanh. Việc thu hẹp số lượng cửa hàng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của MWG, khi tình hình kinh doanh xấu đi ngoài dự đoán.

Trước đó, 9 tháng đầu năm 2023, công ty lãi vỏn vẹn hơn 77 tỷ đồng, con số thậm chí còn không bằng thời điểm cách đây chục năm trước với hơn 200 cửa hàng. 

Hết đà bán ròng, cổ phiếu MWG có “lấy lòng” khối ngoại? - ảnh 1MWG cho biết đang có kế hoạch đóng cửa khoảng 200 cửa hàng trong quý cuối năm. Hiện một số cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh cũng đã đóng cửa.

Được niêm yết từ 2014, MWG đã sớm trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu được ưa thích và lựa chọn bởi các nhóm cổ đông ngoại trên thị trường chứng khoán. Sau khi bắt đầu “kín room ngoại” kể từ đầu 2015, theo thống kê, số lần MWG “hở room ngoại” với giá trị từ trên 0,5% tính đến thời điểm hiện tại tương đối hiếm hoi. Thậm chí, trong quá khứ, nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh cao nhất thị trường, lên đến 40% so với thị giá để sở hữu MWG.

Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu xa rời MWG. Ghi nhận trong tháng 11, cổ phiếu MWG đứng thứ hai trong top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Tháng kế trước đó, mã này đứng vị trí số 1 với quy mô bán gần 951 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 8 đến 14/12, khối ngoại đã bán ròng hơn 72 triệu cổ phiếu của MWG, tương đương giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối phiên 14/12, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại MWG ghi nhận ở sát mức 44,31%, tương ứng hở "room" gần 5% và lượng cổ phiếu NĐTNN có thể mua thêm lên tới gần 69 triệu đơn vị. Đây là mức "hở room" ngoại lớn nhất của MWG trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, sang đến tháng 12, lực bán ra cổ phiếu MWG giảm đi đáng kể. Lũy kế từ đầu tháng đến ngày 14/12, cổ phiếu MWG bị khối ngoại bán ròng hơn 32,6 tỷ đồng, giảm rất nhiều so với sức bán của khối ngoại trong tháng 11. Thậm chí trong 10 phiên giao dịch đầu tháng 12, khối ngoại đã mua ròng 5 phiên, cao nhất trong ngày 8/12 với khối lượng gần 560 nghìn cổ phiếu.

Giao dịch sôi động của khối ngoại trong phiên 14/12 có sự đóng góp lớn của cổ phiếu MWG bởi giao dịch thỏa thuận hơn 6,93 triệu đơn vị, với tổng giá trị đạt 293,77 tỷ đồng. Tổng cộng cả giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh, khối này đã mua ròng gần 0,55 triệu cổ phiếu MWG với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 22,79 tỷ đồng.

Trước đó, trong buổi họp với nhà đầu tư đầu tháng 11, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG - cho rằng việc khối ngoại rời đi và giá cổ phiếu giảm sâu cũng có thể xem là một cơ hội, "vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua thời điểm khó khăn, thách thức lòng tin của nhà đầu tư". Người đứng đầu MWG cho rằng ai có niềm tin sẽ tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. "Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp có thể bán ra", ông Tài nói. 

Ngoài ra, đầu tháng 11, ông Nguyễn Đức Tài đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 8/11 đến ngày 7/12. Động thái mua của ông Tài diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG rớt thảm sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3 đầy ảm đạm và khối ngoại liên tục bán ròng hàng chục triệu cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, thông tin công bố cho biết ông Nguyễn Đức Tài chỉ mua 110,000 cổ phiếu trong số 1 triệu cổ phiếu đã đăng ký trên. Ông cho biết việc không mua hết số cổ phiếu đã đăng ký là do diễn biến thị trường không phù hợp. Từ khi xuất hiện thông tin Chủ tịch Tài đăng ký mua vào ngày 03/11, cổ phiếu MWG đã tăng gần 10%. Sau giao dịch, vị doanh nhân này đã tăng sở hữu tại MWG từ 35.1 triệu đơn vị lên 35.2 triệu đơn vị (tương đương 2.4% vốn). Sau khi không gom đủ cổ phiếu như đăng ký, mới đây. ông Nguyễn Đức Tài lại tiếp tục đăng ký mua thêm 500,000 cổ phiếu MWG. Thời gian thực hiện từ ngày 12/12/2023 đến ngày 10/01/2024 bằng giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Nếu mua thành công, ông Nguyễn Đức Tài sẽ nâng sở hữu từ 2,41%, lên 2,44% vốn điều lệ của MWG.