Đầu tư từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe, Tập đoàn Egroup của Shark Thủy làm ăn ra sao?
(Thị trường tài chính) - Tập đoàn Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Trong năm 2021, doanh thu Egroup giảm sâu tới 80%, lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 73% còn vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng.
Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy (người thường được biết đến là Shark Thủy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame cùng đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy và Đặng Văn Hiền - Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame.
Ngay sau khi Shark Thủy bị bắt,Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup đã phát đi thông cáo về việc ủy quyền người điểu hành và toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tập đoàn và công ty con Egame.
Theo thông cáo, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) - Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame, Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup - đã tiến hành các bước ủy quyền điều hành Egroup và Egame cho bà Nguyễn Thị Dung.
Bà Dung hiện là thành viên ban lãnh đạo của Egroup và là thành viên hội đồng quản trị của Egame.
Ngoài ra thông cáo cũng cho biết ông, Thủy đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tại 2 doanh nghiệp này cho bà Dung theo điều lệ của công ty và quy định của pháp luật hiện hành.
Ban lãnh đạo của Egroup cho biết đã phối hợp nhanh chóng đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Chân dung Egroup của Shark Thủy
Trên website của Egroup giới thiệu, công ty đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam về giáo dục trực tuyến, năng động, cạnh tranh mạnh mẽ, luôn hướng đến chinh phục các mục tiêu cao hơn và là sự lựa chọn hàng đầu của mọi đối tác và khách hàng trong nước và quốc tế.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup thành lập năm 2008, tiền thân là Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến - Egame, hoạt động trong lĩnh vực trò chơi giáo dục trực tuyến. Người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là Shark Thủy.
Năm 2016, Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến Egame được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup.
Tập đoàn Egroup là công ty mẹ, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.
Đến nay Tập đoàn Egroup có 12 công ty hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục trực tuyến, phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em thông qua robot thông minh và tính nhẩm, giáo dục kỹ năng nghề và du học.
Các công ty con nổi bật của Egroup gồm Apax Holdings (IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...
Bên cạnh đó, hệ sinh thái này còn có hai thành viên là Công ty Egame và Công ty Ecapital. Trong đó, chỉ Apax Holdings được niêm yết và đứng sau nhiều thương vụ đầu tư lớn của ông Nguyễn Ngọc Thủy.
Theo giới thiệu trên website của Egroup, đến nay công ty có 130 trung tâm tiếng Anh Apax English – Apax Leaders; 11 trường mầm non STEAMe GARTEN và 1 trung tâm trải nghiệm STEM chuẩn quốc tế; 11 Viện trị liệu thẩm mỹ Yakson Beauty; 50 cửa hàng Soya Garden trên toàn quốc; 12 trung tâm CMS tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Hạ Long (Quảng Ninh).
Egoup làm ăn thế nào?
Dữ liệu cho thấy, năm 2021 tình hình kinh doanh của Egroup không mấy tươi sáng.
Cụ thể, năm 2021, doanh thu thuần của Egroup ghi nhận 108,58 tỷ đồng, giảm 80,5% so với năm trước đó, giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu với 112,3 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp âm hơn 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 15,6 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng 21% lên gần 66 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 26% lên 44,8 tỷ đồng.
Kết quả, năm 2021 Egroup báo lãi 4,2 tỷ đồng, giảm sâu tới 73% so với năm 2020.
Tổng tài sản tính tới cuối năm 2021 tăng nhẹ 6% lên 1.551 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn tăng 52,3% lên hơn 390 tỷ đồng; trữ tiền giảm tới 99,8% còn vỏn vẹn hơn 33 triệu đồng.
Phải thu ngắn hạn tăng hơn 600% lên 204,4 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng gần 48 tỷ đồng. Trong năm 2021, Egroup đầu tư vào công ty con 822,5 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh hơn 120 tỷ đồng; đầu tư vào các đơn vị khác 20 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 27% lên 427 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn tăng 26,5% lên 320 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 2 lần lên 68,4 tỷ đồng; phải trả người lao động ghi nhận hơn 20 tỷ đồng.
Vay nợ ngắn hạn giảm 16,8% xuống 134 tỷ đồng; vay nợ dài hạn tăng 87,6% lên gần 70 tỷ đồng. Vốn điều lệ tính tới cuối năm 2021 đạt 962,5 tỷ đồng.