HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Cổ phiếu “vua gạo” một thời bất ngờ tăng trần 6 phiên liên tiếp

An Vũ

(Thị trường tài chính) - Tạm đóng của phiên giao dịch sáng ngày 17/9, cổ phiếu AGM tiếp tục tăng trần, đạt 4.230 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch lên tới 435.000 cổ phiếu và "trắng bên bán".

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có công văn yêu cầu CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (AGM) công bố thông tin về diễn biến giá cổ phiếu.

Theo ghi nhận, giá cổ phiếu AGM đã tăng kịch trần trong 5 phiên liên tiếp từ ngày 10/9 đến 16/9/2024. Căn cứ Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính và hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE yêu cầu AGM tuân thủ quy định về việc công bố thông tin.

Trong 5 phiên vừa qua, cổ phiếu AGM tăng từ mức 2.850 đồng/cổ phiếu lên 3.960 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng gần 40%. Mặc dù vậy, giá hiện tại chỉ bằng khoảng một nửa so với đỉnh 8.490 đồng/cổ phiếu ghi nhận vào cuối tháng 3/2024. Khối lượng giao dịch trung bình trong 5 phiên đạt 183.000 cổ phiếu.

Tạm đóng của phiên giao dịch sáng ngày 17/9, cổ phiếu AGM tiếp tục tăng trần, đạt 4.230 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch lên tới 435.000 cổ phiếu và "trắng bên bán".

Angimex cũng đã công bố văn bản giải trình. Trong đó, công ty cho biết thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang thuận lợi nhờ nhu cầu gia tăng từ các khách hàng truyền thống. Tuy nhiên, công ty cũng lưu ý rủi ro tiềm ẩn từ việc Ấn Độ có thể nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo, điều có thể tác động đến giá cả.

Ngoài ra, siêu bão Yagi đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, dẫn đến lo ngại về khả năng thiếu hụt lương thực, từ đó kích thích sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào các công ty xuất khẩu gạo. Angimex khẳng định giá cổ phiếu tăng là do cung cầu trên thị trường và không có sự can thiệp từ phía công ty.

Cổ phiếu AGM đang nằm trong diện kiểm soát từ ngày 10/9 do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2024. Để cải thiện tình hình, Angimex đã triển khai chiến lược tái cơ cấu toàn diện, bao gồm việc tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc, thu hồi các khoản nợ khó đòi và thanh lý tài sản nhằm giảm lỗ lũy kế.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Angimex giảm 53%, chỉ còn 151 tỷ đồng, mới hoàn thành chưa tới 9% kế hoạch năm. Công ty báo lỗ trước thuế 98 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Angimex đạt 1.165 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm, trong khi nợ phải trả tăng lên 1.243 tỷ đồng, trong đó khoản vay nợ chiếm hơn 959 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đang âm 82 tỷ đồng, với lỗ lũy kế hơn 264 tỷ đồng.

Angimex từng một thời là "vua xuất khẩu gạo" khi ăn nên làm ra. Tuy nhiên, biến cố xảy ra khi cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân vướng lao lý vì "Tội thao túng thị trường chứng khoán" vào năm trước. Ông Nhân đã nhận phán quyết 5 năm 6 tháng tù. Từ đó, tình hình kinh doanh của  AGM liên tục gặp khó khăn, thua lỗ và vướng nợ nần.

Ý kiến bạn đọc