Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) bị loại khỏi danh mục ký quỹ sau báo cáo tài chính bán niên lỗ
(Thị trường tài chính) - Ngày 30/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG – sàn HOSE) vào diện chứng khoán không được giao dịch ký quỹ.
Quyết định này được đưa ra dựa trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận âm. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, Quốc Cường Gia Lai báo lỗ sau thuế hơn 15 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 13,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm 2024 chứng kiến sự suy giảm đáng kể của Quốc Cường Gia Lai với doanh thu đạt 65,22 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng lỗ 16,6 tỷ đồng, tăng thêm 2,9 tỷ đồng so với mức lỗ 13,7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh từ 10,3% xuống còn 0,1%, khiến lợi nhuận gộp giảm tới 99,7%, chỉ còn 0,07 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai đã đặt ra mục tiêu năm 2024 với doanh thu 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh lỗ trước thuế 16,92 tỷ đồng trong nửa đầu năm, công ty đang còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu này.
Ngoài vấn đề về kết quả kinh doanh, Quốc Cường Gia Lai cũng đối mặt với những khó khăn pháp lý. Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam đã nhấn mạnh trong báo cáo tài chính bán niên năm 2024 về bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST do Tòa án Nhân dân TP.HCM ban hành ngày 11/4/2024. Theo bản án này, Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả 2.882,8 tỷ đồng đã nhận từ Công ty Cổ phần Island để thực hiện nghĩa vụ đối với bà Trương Mỹ Lan. Nếu hoàn trả đủ số tiền, công ty sẽ nhận lại toàn bộ bất động sản và các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai đã kháng cáo, yêu cầu tòa án chỉ buộc công ty trả lại 1.441,1 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2024, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận phải trả Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island số tiền 2.882,8 tỷ đồng. Trước đó, công ty đã sử dụng số tiền này để tất toán nợ vay với BIDV Quang Trung và đầu tư vào các dự án bất động sản khác. Hiện tại, số tiền này dự kiến sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng khi các đàm phán và thủ tục chuyển nhượng được hoàn tất.
Về tài chính, tại thời điểm 30/6/2024, Quốc Cường Gia Lai chỉ còn 27,5 tỷ đồng tiền mặt, trong khi tổng nợ vay lên tới 434,4 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng vốn chủ sở hữu. Nợ vay ngắn hạn là 188,3 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 246,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy quỹ tiền mặt hiện tại của công ty thấp hơn nhiều so với số tiền phải trả theo phán quyết của Tòa án, đặt ra thách thức lớn cho Quốc Cường Gia Lai trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu nhập của 8 thành viên trong HĐQT, Ban Kiểm soát, và Ban Tổng Giám đốc của CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) là 416,3 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT và ông Lại Thế Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc cùng nhận mức thu nhập 66 triệu đồng/6 tháng (tương ứng 11 triệu đồng/tháng). Các thành viên khác nhận thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/6 tháng (tương ứng từ 2,5 - 5 triệu đồng/tháng). Riêng ông Phạm Hoàng Phương - Kế toán trưởng có thu nhập 184,3 triệu đồng/6 tháng.
Không những nhận lương thấp, lãnh đạo của Quốc Cường Gia Lai còn cho doanh nghiệp mượn tiền. Tại thời điểm ngày 30/6, Quốc Cường Gia Lai nợ bà Loan và con gái số tiền 2 tỷ đồng và 700 triệu đồng; nợ ông Lại Thế Hà và con gái số tiền 23,6 tỷ đồng và 4,7 tỷ đồng. Công ty thường xuyên phát sinh các giao dịch mượn tiền và đã thanh toán hàng trăm tỷ đồng đối với các cá nhân nói trên.
Vào tháng 7 vừa qua, bà Loan bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án sai phạm trong việc sử dụng khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP. HCM. Sau đó, người con trai là Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô La) đã thay thế vị trí của bà. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra cuối tháng, công ty thông qua mức thù lao cho các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát trong năm 2024 là 7 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/tháng.