Chuyên gia tiết lộ nhóm ngành định giá tương đối rẻ, có thể cân nhắc xuống tiền
(Thị trường tài chính) - “Về cơ hội, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm cổ phiếu Ngân hàng khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại trong nửa cuối tháng 7 cũng như định giá của nhóm ngành này vẫn đang tương đối rẻ (chiết khấu so với bình quân lịch sử)”, đại diện VNDIRECT cho biết.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng nhiều tiềm năng
Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDIRECT - Đinh Quang Hinh cho biết, thị trường chứng kiến tỷ giá USD/VND tiếp tục hạ nhiệt và lùi dần về sát mức 25.000. Đồng thời, lợi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm so với tuần trước đó. Những chuyển biến tích cực này đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán với thanh khoản trong phiên cuối tuần trên 3 sàn đạt trên 25.000 tỷ, tăng gần 50% so với mức trung bình 20 phiên. Chỉ số VN-Index cũng đã chính thức vượt qua kháng cự 1.230 điểm (MA20) để thiết lập xu hướng vận động đi lên tích cực hơn.
Bước sang tuần tới, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDIRECT - Đinh Quang Hinh nhận định, rung lắc có thể sớm xuất hiện khi chỉ số VN-Index tiến tới cản mạnh tại vùng 1.260 điểm (là vùng hội tụ của các đường MA50, MA100). Do đó, những nhà đầu tư “lỡ sóng” không nên vội vàng mua vào khi chỉ số đang tiến tới kháng cự mạnh mà cần kiên nhẫn chờ đợi những nhịp rung lắc xuất hiện để canh mua vào với giá vốn tốt hơn.
Về cơ hội đầu tư cụ thể, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm cổ phiếu Ngân hàng khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại trong nửa cuối tháng 7 cũng như định giá của nhóm ngành này vẫn đang tương đối rẻ (chiết khấu so với bình quân lịch sử).
“Nhà đầu tư có thể xem xét nhóm ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản, đồ gỗ nhờ triển vọng xuất khẩu cải thiện mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư có thể chọn lọc những cổ phiếu bị chiết khấu sâu trong nhịp điều chỉnh vừa qua để giải ngân, tuy vậy nên lưu ý duy trì tỷ trọng vừa phải ở nhóm cổ phiếu này do đây là nhóm có biến động giá mạnh và khó lường”, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDIRECT Đinh Quang Hinh gợi ý.
Nhiều cơn rung lắc
Đà phục hồi được duy trì trong phiên đầu tuần qua 12/8 khi VN-Index tăng 0,5% lên mức 1.230,3 điểm với tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 238/168. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa mang tới tín hiệu khả quan khi tiếp tục giảm sút và giá trị giao dịch thấp hơn khoảng 25% so với trung bình 25 phiên. FPT (+2,4%) là mã có đóng góp tích cực nhất tới chỉ số khi tập đoàn đang đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ cho thuê GPU (GPUaaS) với kỳ vọng biên lợi nhuận trước thuế đạt 20-30% vào 2025.
VN-Index ngày 13/8 diễn biến khá tiêu cực trong phiên sáng và chỉ khởi sắc hơn trong cuối phiên chiều giúp chỉ số tăng nhẹ 0,1 điểm lên mức 1.230,4. Thanh khoản thị trường chưa thể cải thiện song một trong những điểm sáng hiếm hoi là việc khối ngoại đã mua ròng 3 phiên liên tiếp với giá trị 316 tỷ đồng, tập trung vào các mã HDB, VNM và FPT.
VN-Index ngày 14/8 chỉ có thể tăng trong 30 phút đầu tiên trước khi phải chịu áp lực bán sau đó và kết phiên gần như đi ngang khi giảm chưa đến 0,1 điểm về mức 1.230,4. Thực phẩm & Đồ uống, Bất động sản và Truyền thông là những ngành diễn biến tích cực với VNM (+0,3%), VHM (+2,3%) và VEF (+0,1%).
Phiên ngày 15/8 chứng kiến VN-Index đánh rơi mốc 1.230 điểm khi giảm 0,6% xuống mức 1.223,6. Gần như các ngành đều giảm điểm ngoại trừ Truyền thông. VHM (+1,8%) là mã đóng góp tích cực nhất sau thông tin dự án khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng với quy mô hơn 13.200 tỷ đồng sẽ được khởi công vào cuối năm nay.
Ngày 16/8 chứng kiến phiên giao dịch đầy bùng nổ của VN-Index khi tăng 28,7 điểm lên mức 1.252,2. Thanh khoản thị trường cũng đã đạt mức cao nhất trong gần 2 tuần qua với tổng giá trị hơn 23 nghìn tỷ đồng. Sắc xanh chiếm áp đảo khi tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 413/41. GVR (+5,8%) là mã có đóng góp tích cực nhất tới chỉ số. Kết tuần, VN-Index tăng 2,3% lên mức 1.252,2 điểm, HNX-Index tăng 2,5% lên 235,2 điểm và UPCOM-Index tăng 0,7% lên mức 93,4 điểm.
Tuần trước HPG (-1,7%), POW (-2,9%) và VSH (-3,2%) là các mã gây áp lực lên chỉ số. Ngược lại, GVR (+6,3%), LPB (+8,6%) và HVN (+12,3%) là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường.
Thanh khoản tuần trước giảm 12,5% xuống 14.915 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng 1.091,4 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 1.072,7 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 40,3 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 21,6 tỷ đồng trên UPCOM.