Chứng khoán Việt tìm đường đưa “cá lớn” vượt “ao nhỏ”
(Thị trường tài chính) - Để nâng hạng thị trường chứng khoán, việc minh bạch thông tin cần hết sức quan trọng. Vì vậy việc công bố thông tin đúng, đủ, kịp thời, chính xác cho các công ty niêm yết lớn để thu hút nhà đầu tư quốc tế; minh bạch hóa quy trình tài chính, quản trị công ty.
“Cá lớn trong ao nhỏ”
Theo Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Việc nâng hạng thị trường luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Khi nâng hạng thành công sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
“Được ví như “con cá lớn trong ao nước nhỏ”, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường chứng khoán cận biên (lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số ‘điểm nghẽn’ cần sớm tháo gỡ trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta” - ông Nguyễn Ngọc Hiển chia sẻ.
Chia sẻ về cơ hội và thách thức khi nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Chí Dũng cho biết, hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi.
Theo ông Dũng, một thị trường chứng khoán tự do, hiệu quả luôn được coi là một trong những tiêu chí cốt yếu để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của một quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.
Đồng thời, việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh cơ hội, các công ty niêm yết cũng gặp nhiều thách thức khi nâng hạng thị trường. Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB Trần Thị Khánh Hiền chỉ ra, quy mô vốn hóa của các DN niêm yết Việt Nam còn khá nhỏ bé, do đó số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ các tiêu chí MSCI EM Index không nhiều. Theo rổ phân loại thị trường cận biên của MSCI, mặc dù tỷ trọng của Việt Nam là lớn nhất chiếm 26%, song trong top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong rổ này thì chỉ có 2 cổ phiếu của Việt Nam. Thêm vào đó, độ mở của thị trường càng lớn thì biến động của các yếu tố bên ngoài sẽ gia tăng tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các cổ phiếu niêm yết nói riêng. Hơn nữa, sự cạnh tranh với các cơ hội đầu tư tại các thị trường khác cũng gia tăng.
Cung cấp đủ thông tin đúng, đủ, chính xác
Chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc về nâng hạng thị trường chứng khoán, Trưởng Phòng phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi, phát triển. Để giữ vững và phát triển hơn nữa sau khi được nâng hạng, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, công bố thông tin bằng tiếng Anh bắt buộc đối với các công ty niêm yết lớn, đơn giản hóa quy trình giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài...
Theo đó, ông Trí cho rằng, cần tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, như đơn giản hóa thủ tục đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư. Đặc biệt là mở rộng giờ giao dịch và cải thiện hệ thống thanh toán, bù trừ. Để làm được điều này cần phát triển hệ thống công nghệ thông tin hướng tới giao dịch hiện đại để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng như quản lý rủi ro.
Còn theo Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB Trần Khánh Hiền, trong lộ trình nâng hạng, các DN cần chuyên nghiệp hóa hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) và đảm bảo tính nhất quán về tần suất và hàm lượng của các thông tin được cung cấp cũng như dạng hóa các kênh tiếp cận đối với nhà đầu tư. Trên thực tế, một số đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế vẫn cho rằng khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam còn hạn chế và cần phải cải thiện.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, hướng tới mục tiêu nâng hạng, minh bạch thông tin cần hết sức lưu tâm. Vì vậy cần công bố thông tin đúng, đủ, kịp thời, chính xác. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các DN. Các DN phải ý thức rằng đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của DN. “Muốn đi dài, đi xa, chơi lớn thì chúng ta phải minh bạch. Chúng ta phải coi việc chuẩn xác là đương nhiên, ý thức của DN, trừ trường hợp bất khả kháng” – Thứ trưởng Trần Đức Chi nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu, đối với DN về công bố thông tin, nên cần nâng cao vai tò nhiệm vụ giám sát của nhà nhà đầu tư, cơ quan báo chí, phát hiện trường hợp vi phạm từ đó xử lý nghiêm.