Chứng khoán tuần 3/6-7/6: Chưa thể bứt phá?
(Thị trường tài chính) - Các nhà phân tích nhận định, tuần tới (3/6 – 7/6), khả năng cao nhà đầu tư nên duy trì quan điểm thận trọng, tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đã mua hoặc có thể chốt lời một phần nhỏ tỉ trọng khi các mã mục tiêu vượt đỉnh và đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Chưa thể bứt phá
Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhận định rằng, tuần tới, khả năng cao VN-Index chưa thể bứt phá mạnh. Công ty này khuyến nghị các nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, chỉ ưu tiên gia tăng thêm tỉ trọng ở những mã cổ phiếu đang có lợi nhuận khi thị trường rung lắc về mốc hỗ trợ quanh 1.240 điểm.
Còn Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn đang được bảo lưu và chỉ số được kỳ vọng sẽ vượt mốc điểm 1.300 trong những phiên tới trước khi có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đã mua. Có thể chốt lời một phần nhỏ tỉ trọng khi các mã mục tiêu vượt đỉnh và đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Từ các sự kiện về kinh tế diễn ra trong thời gian qua, đại diện Khối Phân tích VNDIRECT cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới có thể được cải thiện. Đồng thời, chỉ số VN-Index cũng đã tiến gần tới vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm và khó lùi sâu dưới ngưỡng này. Do đó, ông Đinh Quang Hinh cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trở lại trong tuần giao dịch tới, ưa tiên các cổ phiếu đã về vùng hỗ trợ cứng hoặc các cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang có câu chuyện hỗ trợ như bán lẻ, bất động sản, điện và xuất nhập khẩu.
Các chuyên gia chứng khoán của SHS nhận định, trong ngắn hạn, VN-INDEX đang tích lũy trong biên độ hẹp 1.250 - 1.285 điểm sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá trung hạn 1.250 - 1.300 điểm. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 điểm - 1.287 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất phiên giảm điểm mạnh 15/04/2024 cũng như đỉnh giá tháng 09/2022.
Ngoài ra, trường hợp tích cực, VN-Index có thể vượt qua vùng 1.285 điểm với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong quí II/2024 thì sẽ hướng tới vùng 1.300 điểm. Nếu đánh mất vùng 1.250 điểm, VN-Index sẽ quay lại vùng tích lũy 1.200 - 1.250 điểm.
“Điểm tích cực là lực cầu vẫn đang gia tăng khá tốt ở vùng giá 1.250 điểm khi có nhiều mã/nhóm mã phục hồi mạnh với kỳ vọng, triển vọng kết quả kinh doanh quí II/2024 tăng trưởng”, SHS nhận định.
Biến động biên độ hẹp
Tuần qua, VN-Index tiếp tục biến động trong biên độ hẹp 1.250 điểm - 1.285 điểm, tương ứng giữa vùng giá cao nhất năm 2023 và vùng kháng cự giá cao nhất tháng 09/2022 cũng như phiên giảm mạnh 15/04/2024. Kết tuần và kết thúc tháng 05/2024, VN-Index ở mức 1.261,72 điểm.
VN-Index duy trì trên vùng giá 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng giá cao nhất năm 2023. HNX-Index kết thúc tháng 5/2024 tăng tốt 7,17% so với tháng 4/2024 lên mức 243,09 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh.
Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 109.520,78 tỷ đồng, giảm mạnh 20,8% so với tuần trước, trên mức trung bình, cho thấy thị trường phân hóa mạnh, cân bằng sau khi giảm mạnh trong tuần trước.
Nhiều mã/nhóm mã vẫn luân phiên phục hồi, lực cầu gia tăng tốt ở vùng hỗ trợ 1.250 điểm, cải thiện tốt ở nhóm mã vốn hóa trung bình, nhỏ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp xu hướng bán ròng mạnh với giá trị khá đột biến trong tuần này lên đến 6.085,48 tỉ đồng trên HOSE, tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, mua ròng trên HNX với giá trị 33,36 tỷ đồng.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ có diễn biến khá nổi bật khi tăng giá vượt trội so với thị trường chung như PET (+8,44%), MCH (+6,00%), FRT (+5,90%). Các cổ phiếu công nghệ, viễn thông cũng phục hồi tăng giá tốt với nhiều mã nổi bật với CTR (+3,95%), FPT(+2,05%). Rất nhiều nhóm cổ phiếu cũng có diễn biến tăng giá tốt, giá vượt lên vùng đỉnh trước thời điểm VN-Index giảm mạnh, nổi bật như nhóm dệt may khi tăng điểm khá đột biến trong phiên cuối tuần, kết tuần rất tích cực với GIL (+7,15%), M10 (+6,40%), TNG (+5,14%). Nhóm cổ phiếu điện rất nhiều mã cũng có diễn biến tăng giá vượt trội, thanh khoản gia tăng đột biến như POW (+11,01%), TV2 (+10,12%), PPC (+8,91%).
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng đa số lại có diễn biến kém tích cực, chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như BID (-4,27%), HDB (-3,93%), VCB (-3,33%), MBB (-3,12%)... ngoài các mã tăng giá khá đột biến, tích cực với EIB (+11,45%), LPB (+9,79%). Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng đa số biến động trong biên độ hẹp.