Chứng khoán tuần 27/5– 31/5: VN-Index phục hồi tốt, nhóm ngân hàng chịu áp lực thanh khoản cao

Hoa Nghiêm

(Thị trường tài chính) - Chứng khoán tuần từ 27/5– 31/5, VN-Index trong tiếp tục giao dịch biến động trong biên độ hẹp, khi phục hồi tốt ở vùng 1.250 điểm, tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh ở kháng cự 1.285 điểm và kết thúc tuần ở mức 1.261,72 điểm, giảm nhẹ 0,02% so với tuần trước. Qua đó VN-Index kết thúc tháng 05/2024 phục hồi tăng 4,32% sau khi chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong tháng 4/2024.

VN-Index phục hồi tốt

VN-Index duy trì trên vùng giá 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng giá cao nhất năm 2023. HNX-Index kết thúc tháng 5/2024 tăng tốt 7,17% so với tháng 4/2024 lên mức 243,09 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh.

Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 109.520,78 tỷ đồng, giảm mạnh 20,8% so với tuần trước, trên mức trung bình, cho thấy thị trường phân hóa mạnh, cân bằng sau khi giảm mạnh trong tuần trước.

Nhiều mã/nhóm mã vẫn luân phiên phục hồi, lực cầu gia tăng tốt ở vùng hỗ trợ 1.250 điểm, cải thiện tốt ở nhóm mã vốn hóa trung bình, nhỏ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp xu hướng bán ròng mạnh với giá trị khá đột biến trong tuần này lên đến 6.085,48 tỉ đồng trên HOSE, tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, mua ròng trên HNX với giá trị 33,36 tỷ đồng.

Chứng khoán tuần 27/5– 31/5: VN-Index phục hồi tốt, nhóm ngân hàng chịu áp lực thanh khoản cao - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), trong tuần, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ có diễn biến khá nổi bật khi tăng giá vượt trội so với thị trường chung như PET (+8,44%), MCH (+6,00%), FRT (+5,90%). Các cổ phiếu công nghệ, viễn thông cũng phục hồi tăng giá tốt với nhiều mã nổi bật với CTR (+3,95%), FPT(+2,05%). Rất nhiều nhóm cổ phiếu cũng có diễn biến tăng giá tốt, giá vượt lên vùng đỉnh trước thời điểm VN-Index giảm mạnh, nổi bật như nhóm dệt may khi tăng điểm khá đột biến trong phiên cuối tuần, kết tuần rất tích cực với GIL (+7,15%), M10 (+6,40%), TNG (+5,14%). Nhóm cổ phiếu điện rất nhiều mã cũng có diễn biến tăng giá vượt trội, thanh khoản gia tăng đột biến như POW (+11,01%), TV2 (+10,12%), PPC (+8,91%).

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng đa số lại có diễn biến kém tích cực, chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như BID (-4,27%), HDB (-3,93%), VCB (-3,33%), MBB (-3,12%)... ngoài các mã tăng giá khá đột biến, tích cực với EIB (+11,45%), LPB (+9,79%). Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng đa số biến động trong biên độ hẹp.

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2406 kết tuần ở mức 1.270 điểm, giảm 0,60% so với tuần trước. Chênh lệch âm -5,87 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình, khối lượng mở OI tăng. Xu hướng ngắn hạn VN30F2406 tích lũy trên vùng hỗ trợ 1.262 điểm - 1.266 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023, kháng cự quanh 1.285 điểm, giá trung bình MA20 phiên. Các kỳ hạn VN30F2407, VN30F2409, VN30F2412 chênh lệch từ -3,87 điểm đến -2,17 điểm so với VN30. Các mức chênh lệch âm thu hẹp, cho thấy các trader vẫn phòng ngừa rủi ro ngắn hạn với VN30.

Thị trường tích lũy tích cực

Sau tuần chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản khá đột biến, khối lượng giao dịch trung bình 973 triệu cổ phiếu/phiên trên VN-Index. Trong tuần này VN-Index tiếp tục biến động trong biên độ hẹp 1.250 điểm - 1.285 điểm, tương ứng giữa vùng giá cao nhất năm 2023 và vùng kháng cự giá cao nhất tháng 09/2022 cũng như phiên giảm mạnh 15/04/2024. Kết tuần và kết thúc tháng 05/2024, VN-Index ở mức 1.261,72 điểm.

Các chuyên gia chứng khoán của SHS nhận định, trong ngắn hạn, VN-INDEX đang tích lũy trong biên độ hẹp 1.250 điểm -1.285 điểm sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá trung hạn 1.250 điểm -1.300 điểm. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 điểm - 1.287 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất phiên giảm điểm mạnh 15/04/2024 cũng như đỉnh giá tháng 09/2022.

Ngoài ra, trường hợp tích cực, VN-Index có thể vượt qua vùng 1.285 điểm với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong quí II/2024 thì sẽ hướng tới vùng 1.300 điểm. Nếu đánh mất vùng 1.250 điểm, VN-Index sẽ quay lại vùng tích lũy 1.200 điểm - 1.250 điểm.

“Điểm tích cực là lực cầu vẫn đang gia tăng khá tốt ở vùng giá 1.250 điểm khi có nhiều mã/nhóm mã phục hồi mạnh với kỳ vọng, triển vọng kết quả kinh doanh quí II/2024 tăng trưởng”, SHS nhận định.

Trong trung hạn, VN-Index trở lại kênh tích lũy 1.250 điểm - 1.300 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh. Với các yếu tố hỗ trợ như nền kinh tế vẫn đang duy trì tăng trưởng thể hiện qua tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ; Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2024 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD; Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ, SHS cho rằng, thị trường vẫn tích lũy khá tích cực, phù hợp các yếu tố đan xen trong bối cảnh hiện tại, với kỳ vọng sẽ duy trì được vùng hỗ trợ 1.245 điểm -1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023. Bên cạnh đó kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quí II/2024 sẽ hỗ trợ cho xu hướng tích lũy tích cực.

VN-Index tiếp tục rung lắc quanh vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm. Điểm tích cực là lực cầu vẫn gia tăng khá tốt ở vùng giá 1.250 điểm khi có nhiều mã/nhóm mã phục hồi mạnh với kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quí II/2024 tăng trưởng.

Theo các chuyên gia tại đây, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng ở mức trung bình và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ trong các phiên tới.

Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục, nếu tỉ trọng thấp vẫn có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong cuối năm.