HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chứng khoán 6/9: Cổ phiếu VNZ lao dốc, tài sản ông Lê Hồng Minh ra sao?

Hương Trang

(Thị trường tài chính) - Kết phiên hôm nay 6/9, cổ phiếu VNZ giảm 6,8%. Sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu VNZ, tài sản của ông Lê Hồng Minh bốc hơi gần 90 tỷ đồng trong phiên.

Trong đầu phiên chiều 6/9, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG bất ngờ giảm hết biên độ (-15%) xuống 438.000 đồng/cp, tuy nhiên sau đó lấy lại đà hồi phục và đứng tại mốc 470.000 đồng ở gần cuối phiên, qua đó tiếp tục giữ vị trí "ngôi vương" cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.

Thanh khoản VNZ cũng đạt mức cao nhất ba tháng qua với hơn 16.400 cổ phiếu, tương đương hơn 7 tỷ đồng. Từ khi giao dịch trên UPCoM vào đầu năm đến nay, khối lượng sang tay bình quân của cổ phiếu này chưa tới 2.000 đơn vị mỗi phiên.

Kết phiên hôm nay 6/9, cổ phiếu VNZ giảm 6.8%. Sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu VNZ, tài sản của ông Lê Hồng Minh bốc hơi gần 90 tỷ đồng trong phiên.

Thời gian qua, sau khi trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán vượt ngưỡng 1,5 triệu đồng/cổ phiếu vào tháng 2/2023, "siêu cổ phiếu" một thời VNZ đã bắt đầu đảo chiều, liên tục giảm mạnh xuống quanh vùng giá 500.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2024, VNG đặt kế hoạch doanh thu 11.069 tỉ đồng, tăng 46% so với năm trước và kỳ vọng có lãi sau thuế hợp nhất 150 tỉ đồng và lãi của công ty mẹ đạt 195 tỉ đồng.

Trở lại với diễn biến thị trường, thị trường ở trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” bởi cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm ưu thế. Chốt phiên giao dịch ngày 6/9, VN-Index tăng 5,75 điểm lên 1.273,96 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 719 triệu đơn vị, tương ứng gần 17 nghìn tỷ đồng. 

Chứng khoán 6/9: Cổ phiếu VNZ lao dốc, tài sản ông Lê Hồng Minh ra sao? - ảnh 1

 

Nhóm dẫn dắt thị trường đóng góp hơn 5 điểm hôm nay là tập hợp các mã bluechip gồm BID (+1,2%), MSN (+2,6%), CTG (+1,4%), GVR (+1,8%), HPG (+1,4%), FPT (+1,2%), GAS (+1%), VNM (+0,9%), VPB (+0,8%) và PLX (+2%).

Chiều ngược lại, rào cản chủ yếu đến từ các mã như VIC (-0,9%), SSB (-2,7%), HDB (-0,7%), HVN (-0,9%), SAB (-0,5%), EIB (-0,8%), GMD (-1%), VHC (-1,5%), DIG (-1,8%) và PDR (-1,1%).

Bên cạnh nhóm vật liệu với sức tăng của HPG (+1,4%), HSG (+0,2%), NKG (+0,7%), cổ phiếu hóa chất, cao su cũng bật tăng mạnh mẽ với DPM (+3,4%), DCM (+2,3%), LAS (+0,8%), BFC (+1,5%), NTP (+3,1%).

Trong khi đó, nhóm bất động sản phân hóa mạnh. Dòng tiền chốt lời khiến một số cổ phiếu như DIG (-1,7%), PDR (-1,1%), DXG (-1%), CEO (-1,2%), KDH (-0,4%), TCH (-0,3%) điều chỉnh với biên độ lớn.

Về giao dịch khối ngoại, nhóm NĐTNN mua ròng trở lại trên toàn thị trường với giá trị 253 tỷ đồng. Tại chiều mua, cổ phiếu FPT được khối ngoại mua mạnh nhất toàn thị trường với giá trị 200 tỷ đồng. Theo sau, CTG là mã tiếp theo được gom trên trăm tỷ đồng. Ngoài ra, VNM, MSN và STB cũng được mua từ 58 đến 83 tỷ đồng. Ngược lại, VHM chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với hơn 369 tỷ đồng, HDB và VPB cũng bị "xả" lần lượt 48 tỷ đồng và 37 tỷ đồng. Cổ phiếu VHC và PDR cũng bị bán hơn 20 tỷ đồng mỗi mã.