Chứng khoán 29/5: Cổ phiếu họ Apec “gãy cánh” sau thời gian tăng “nóng“
(Thị trường tài chính) - Sau chuỗi thời gian tăng nóng, trong phiên hôm nay 29/5, cổ phiếu của nhóm Apec đã chịu áp lực bán tháo lên đến hàng triệu đơn vị. Trong đó có API và APS giảm kịch sàn, ỊDJ giảm 8,75%.
Thời điểm gần đây bộ ba cổ phiếu họ Apec liên tục trắng bên bán và dư mua giá trần lên đến hàng triệu đơn vị trước khi nằm sàn và dư bán hàng triệu đơn vị trong phiên hôm nay. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu API của CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương đã giảm kịch sàn về 10.200 đồng/cổ phiếu và dư bán 2,4 triệu đơn vị. Trước đó mã này đã tăng nóng từ 4.700 đồng/cổ phiếu lên 11.300 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng với nhiều phiên tăng trần liên tiếp.
Cùng trong hệ sinh thái Apec, cổ phiếu APS của CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương và IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng có phiên giao dịch ngày 29/5 u ám sau chuỗi tăng tích cực. Kết phiên 29/5, APS giảm kịch sàn 9,09% xuống 8.000 đồng/cổ phiếu và dư bán 1,8 triệu đơn vị. Trước đó, mã này đã tăng 62,96% từ 5.300 đồng/cổ phiếu lên 8.800 đồng/cổ phiếu trong 1 tháng trở lại.
Tương tự, IDJ cũng giảm 8,75% xuống 7.300 đồng/cổ phiếu và dư bán hơn 2,24 triệu đơn vị. Chỉ trong 1 tháng trước đó, IDJ đã tăng 73,91% từ 4.600 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 28/5.
Trước đó, API, IDJ và APS đều đã tăng rất mạnh sau sự xuất hiện bất ngờ của ông Nguyễn Đỗ Lăng tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của API diễn ra ngày 10/5.
Đà giảm của cổ phiếu họ Apec trùng hợp với sự đảo chiều của thị trường tại phiên giao dịch ngày 29/5 trước áp lực bán gia tăng. Trong phiên chiều, VN-Index đã cắm đầu lao dốc giảm 9,09 điểm về mức 1.272,64 điểm, tương đương giảm 0,71%.
Về mức độ ảnh hưởng, VCB, HPG, CTG và BID là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 3.4 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, HVN, LPB, EIB và GAS là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 2 điểm tăng.
Hầu hết các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Thị trường còn 8/25 nhóm ngành giữ sắc xanh, trong đó, tích cực nhất là nhóm sản xuất thiết bị, máy móc (+2,07%), cao su (+1,85%), chăm sóc sức khỏe (+1,2%). Các nhóm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia có diễn biến không mấy tích cực như ngân hàng (-0,85%), chứng khoán (-0,67%), bất động sản (-0,89%), bán lẻ (-1,09%).
Ngành vật liệu xây dựng có mức giảm mạnh nhất thị trường với -1,58% chủ yếu đến từ mã HPG (-1,89%), VGC (-1,77%), HSG (-0,91%) và NKG (-1,2%).
Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất thiết bị, máy móc là ngành có sự phục hồi mạnh nhất với các mã NHH (+6,93%) và SHE (+9,91%).
Một số cổ phiếu trong nhóm dầu khí, điện cũng đi ngược lại thị trường trong phiên hôm nay như TDG (+1,7%), PSH (+0,5%), GAS (+0,4%), GEG (+2,2%), HND (+1,3%), POW (+0,8%), TV2 (+0,2%),…
Ngân hàng phân hóa khi có 16/28 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ, với mức giảm trung bình ngành là hơn 1%. Phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG đều kết phiên trong sắc đỏ. Trong khi đó ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa vẫn giao dịch tích cực như BVB tăng 6,6%, ABB tăng 4,8%, EIB tăng 4,8%, LPB tăng 3,8%, …
Tại nhóm xây dựng và bất động sản, bộ ba cổ phiếu nhóm Bamboo Capital BCG, BCR và TCD cùng tăng trần. Ngược lại QCG giảm 3,8%, VRE, VHM, VIC, CEO, HAG, NVL, đều mất hơn 1% thị giá.
Tại các nhóm ngành khác, đáng chú ý có CMX tăng trần, AAA tăng hơn 5%, VIP tăng trần, VOS tăng gần 4%... HVN tiếp tục tăng mạnh hơn 5% lên mức giá 28.300 đồng/cp, tăng 87% so với giữa tháng 4/2024. Cổ phiếu của Vietnam Airlines được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, giá vé máy bay nội địa vẫn neo ở mức cao.
Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng hơn 1,627 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã CTG (325 tỷ), HPG (232 tỷ), VND (1886 tỷ) và SSI (102 tỷ).