Chứng khoán 29/12: Cổ đông lớn nhất Chứng khoán Everest đã thoái toàn bộ cổ phiếu
(Thị trường tài chính) - CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn đã bán toàn bộ 32 triệu cổ phiếu EVS của CTCP Chứng khoán Everest, tương đương tỷ lệ 19,42%.
Cổ phiếu VCB tiêu cực khiến VN-Index không thể vượt mốc 1.130
Mặc dù chỉ số VN-Index liên tục xanh trong phiên cuối tuần, thế nhưng kết phiên chỉ tăng 1 điểm lên 1,129.93 điểm, tương đương 0,09%. VCB là lý do chính khiến VN-Index thất bại tại mốc 1.130 điểm. Đến đợt ATC lực xả đột ngột tăng mạnh đẩy giá cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường này tụt xuống 80.300 đồng, giảm 3,02% so với tham chiếu và giảm tới 3,6% trong một lần khớp. Chỉ riêng mức giảm của VCB lúc đóng cửa đã khiến VN-Index bốc hơi hơn 3,5 điểm và chỉ số để mất 2,73 điểm riêng đợt ATC dù đã được một số cổ phiếu khác nâng đỡ.
Ngoài VCB, cổ phiếu VHM, VNM, GAS và FPT cũng bị giảm trên dưới 1%, lấy đi của chỉ số chung hơn 1 điểm.
Lực bán của VCB khá lớn khi khớp 223.000 cổ phiếu giá đóng cửa 80.300 đồng chưa kể 586.400 cổ còn dư bán giá này. Chỉ riêng lượng bán giá 80.300 đồng như vậy đã bằng một nửa tổng khớp cả ngày, cho thấy sức ép rất đột ngột.
VHM, VNM, GAS, FPT cũng xuất hiện khối lượng giao dịch lớn. Như vậy 5 trong số 10 cổ phiếu vốn hóa hàng đầu của VN-Index đột ngột thay đổi giá xấu đi trong đợt ATC.
Loạt mã thu hút dòng tiền mạnh với giá tăng tốt là STB tăng 1,27% với 447,4 tỷ; NVL tăng 2,1% với 423,9 tỷ; VPB tăng 2,13% với 323,9 tỷ; DXG tăng 1,57% với 285,4 tỷ; CII tăng 2,37% với 165 tỷ…
Khối ngoại hôm nay mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị hơn 15,7 nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu quốc dân HPG là tâm điểm mua ròng với giá trị đạt 51 tỷ đồng. Đứng ở những vị trí tiếp theo là các cổ phiếu như GEX (35 tỷ đồng), KDH (35 tỷ đồng), HSG (34 tỷ đồng), KBC (30 tỷ đồng), VCB (29 tỷ đồng)... Ngược lại, khối ngoại bán ròng nhiều VNM với giá trị đạt 60 tỷ đồng. Họ cũng bán ròng nhiều các mã như GMD (47 tỷ đồng), GAS (38 tỷ đồng), HDB (18 tỷ đồng), VJC (18 tỷ đồng)...
Cổ đông lớn nhất Chứng khoán Everest đã thoái toàn bộ cổ phiếu EVS
Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn đã bán toàn bộ 32 triệu cổ phiếu EVS của CTCP Chứng khoán Everest, tương đương tỷ lệ 19,42%. Giao dịch được thực hiện từ ngày 6/12 đến ngày 26/12, theo phương thức thỏa thuận. Trước đó, Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu với mục đích tăng vốn lưu động.
Về mối liên hệ, ông Nguyễn Xuân Hà, Thành viên HĐQT EVS, đang sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn. Hiện ông Xuân Hà không nắm giữ cổ phiếu EVS.
Diễn biến ngược chiều, ông Nguyễn Hồng Tuấn đã trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán Everest sau khi mua 8,2 triệu cổ phiếu EVS (tương đương tỷ lệ 4,98%) trong phiên 13/12. Ước tính tổng giá trị này khoảng 70,52 tỷ đồng. Trước đó, ông Hồng Tuấn không nắm giữ cổ phiếu EVS.
Sau giao dịch, tổng sở hữu của ông Hồng Tuấn cùng nhóm người có liên quan là hơn 21,03 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 12,76%. Cụ thể, ông Nguyễn Trần Minh Quân, Trưởng phòng Phát triển đối tác EVS đồng thời là con ruột ông Hồng Tuấn, đang sở hữu tỷ lệ 4,85%; bà Trần Hải Anh, em dâu ông Hồng Tuấn, sở hữu 2,93%.
Động thái bán ra hàng chục triệu cổ phiếu EVS của Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu EVS lình xình đi ngang. Hiện giá mã này đang giao dịch tại 8.400 đồng/cp (tính đến hết phiên 29/12).