HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chứng khoán 27/6: Chốt quyền chia cổ tức, một cổ phiếu ô tô ngược dòng thị trường tăng trần

Hương Trang

(Thị trường tài chính) - CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 30%. Sau thông tin này, cổ phiếu này tăng trần bất chấp thị trường giảm.

Mới đây CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HOSE: HTL) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/07. Với tỷ lệ thực hiện 30% (1 cp được nhận 3,000 đồng) và 12 triệu cp đang lưu hành, ước tính HTL sẽ chi 36 tỷ đồng chia cổ tức còn lại năm 2023 cho cổ đông. Ngày thanh toán dự kiến 30/07/2024.

Sau thông tin chia cổ tức, giá cổ phiếu HTL trên thị trường chứng khoán bật tăng hết biên độ lên mức 19,150 đồng/cp trong phiên 27/06, với dư mua giá trần hơn 183 nghìn cổ phiếu. Đà tăng này cũng khiến giá HTL tìm về đỉnh lịch sử lập vào tháng 11/2021. 

Năm 2024, HTL đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh so với thực hiện 2023. Trong đó, doanh thu và lãi sau thuế ước đạt lần lượt 393 tỷ đồng và 5 tỷ đồng, giảm 40% và 87%. Kết thúc quý 1/2024, Công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 64 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng đi ngang so với cùng kỳ, đạt gần 3 tỷ đồng.

Quay trở lại với diễn biến thị trường hôm nay, sau phiên sáng giảm hơn 4 điểm, VN-Index cho thấy rõ nỗ lực hồi phục trong phiên chiều nhưng chưa đủ giúp chỉ số chuyển sang sắc xanh. Kết phiên VN-Index giảm 2,15 điểm còn 1.259,09 điểm. Thanh khoản rất yếu, chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng. Toàn thị trường có 388 mã giảm và 17 mã sàn, với 351 mã tăng và 22 mã tăng trần. Còn lại 829 mã đứng giá.

Chứng khoán 27/6: Chốt quyền chia cổ tức, một cổ phiếu ô tô ngược dòng thị trường tăng trần - ảnh 1

Hầu hết các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là ngành sản phẩm cao su giảm 1,62% trước sức ép của DRC giảm 2,27% và CSM giảm 0,94%.

 Theo sau là ngành bán buôn giảm 1,5%, áp lực chủ đạo từ PLX giảm 2,59%, DGW giảm 0,16%, VFG giảm 1,5%...

Ở chiều tăng, bảo hiểm và bán lẻ là 2 ngành tăng trên 1%. Đối với nhóm bảo hiểm, động lực tăng trải rộng trên nhiều cổ phiếu như BVH, PVI, BIC, MIG hay BMI. Đáng chú ý, cổ phiếu MIG của Bảo hiểm Quân đội tăng từ rất sớm, đến khoảng 10 giờ sáng, MIG giao dịch ở mức giá trần. Kể từ sau đó, MIG giao dịch ở vùng giá 22.850 - 23.000 đồng/cp cho đến hết phiên sáng. Kết thúc phiên hôm nay, MIG chốt hạ tại 22.950 đồng/cp, tăng 6,74%. Như vậy, thị giá của MIG cách đỉnh lịch sử khoảng 2 phiên tăng trần.

Còn với bán lẻ, lực kéo phần lớn đến từ MWG tăng 1,28%, HAX tăng 3,76%, ngoài ra FRT hôm nay đứng phiên tại giá tham chiếu, PNJ giảm nhẹ.

Cổ phiếu ngành cảng biển đồng loạt điều chỉnh trong phiên hôm nay với SGP, VOS cùng giảm 3,4%, theo sau là HAH (-1,3%), GMD (-0,7%), CDN (-0,6%), …Chiều ngược lại, PHP và VGP vẫn giữ được nhịp tăng 1% khi đóng cửa.

Sau nhịp điều chỉnh trong phiên sáng, cổ phiếu FPT lội ngược dòng trong phiên chiều với mức tăng 0,76% khi đóng cửa. Do ảnh hưởng của vốn hóa, cổ phiếu của ông lớn FPT trở thành “công thần” đóng góp nhiều nhất cho VN-Index trong phiên hôm nay.

Khối ngoại tăng tốc bán ròng trong phiên chiều, đẩy giá trị lên mức 1,328 tỷ đồng, phần lớn trong đó đến từ lực bán ròng gần 792 tỷ đồng tại FUEFVND, bỏ xa các cổ phiếu xếp sau như FPT (148 tỷ đồng), TCB (91 tỷ đồng)… ở chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu được mua ròng trên 50 tỷ đồng là MWG và PC1.