Chứng khoán 26/2: Vietinbank trở lại Top 3 cuộc đua vốn hóa
(Thị trường tài chính) - VN-Index đã có pha "lội ngược dòng" ngoạn mục trong phiên hôm nay khi mở phiên sáng trong sắc đỏ, sau đó kết phiên tăng mạnh hơn 12 điểm. Cổ phiếu CTG của Vietinbank cũng ghi nhận tăng 1,28%, đưa Vietinbank trở lại Top 3 vốn hóa.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index đóng cửa ở mốc 1224,17, tăng mạnh 12,17 điểm (tương đương 1,00%). Thanh khoản tuy có sự sụt giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức tốt khi có hơn 800 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 23 nghìn tỷ đồng.
Sắc xanh trở lại ở hầu hết các nhóm cổ phiếu và được phát động bởi các cổ phiếu sản xuất (bao gồm phân bón/hóa chất, thủy sản, thép...) trước khi lan sang nhóm chứng khoán trong phiên chiều.
Nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt nhất trong phiên hôm nay đó là nhóm thủy sản. Trong đó rất nhiều cổ phiếu của nhóm này đạt mức tăng trần như VHC tăng 6,97%, ANV tăng 6,92%, IDI tăng 6,75% hay ASM tăng 6,57%.
Nhóm chứng khoán cũng có HCM tăng trần với 6,99%, FTS tăng 6,92% theo sau đó còn có một số cái tên khác như SSI tăng 2,78%, VND tăng 2,72% hay VIX tăng 2,57%.
Nhóm bất động sản phân hóa mạnh, trong khi VHM tăng 0,12%, VRE tăng 2,16%, PDR tăng 0,89%, DIG tăng 1,15% thì BCM, KDH, SJS đều đứng giá tham chiếu, còn VIC thì giảm 1,33%, NVL giảm 1,18%, NLG giảm 0,8%, ITA giảm 0,93%.
Nhóm blue-chips ngân hàng đóng góp khá nhiều vào lực kéo điểm số: BID tăng 3,08%, VCB tăng 0,67%, TCB tăng 2,74%, CTG tăng 1,28%. Với mức tăng này, Vietinbank đã trở lại Top 3 vốn hóa khi vượt qua VHM và GAS trên bảng xếp hạng vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam. Toàn bộ 27 mã ngân hàng ở các sàn, chỉ có 10 mã tăng và nhóm mã nói trên tích cực nhất. Ngoài ngân hàng, còn có GVR tăng 4,54%, FPT tăng 3,95%.
Khối ngoại hôm nay quay trở lại mua ròng sau hai phiên bán ròng mạnh với giá trị vào khoảng hơn 35 tỷ đồng. DGC xuất hiện giá trị mua ròng cao nhất thị trường với 214,8 tỷ đồng, lượng mua từ khối ngoại chiếm xấp xỉ 29% tổng giao dịch. HCM được mua ròng 134 tỷ đồng, lượng mua khối ngoại chiếm 16% thanh khoản. Mặc dù được khối ngoại mua mạnh nhưng cầu nội mới là chính. HCM lập kỷ lục thanh khoản với 31,98 triệu cổ trị giá 884,6 tỷ đồng. DGC tuy không lập kỷ lục về khối lượng (7,5 triệu cổ) nhưng kỷ lục về giá trị với 788,5 tỷ đồng.