Chứng khoán 21/6: Thưởng tỷ lệ 70% cho cổ đông sau 13 năm, một cổ phiếu vận tải biển bật tăng trần

Hương Trang

(Thị trường tài chính) - Mới đây CTCP Vận tải biển Vinaship (Mã VNA - UPCoM) thông báo 28/6 tới là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách thưởng cổ phiếu tỷ lệ 70%. Sau thông tin này, cổ phiếu VNA bất ngờ tăng kịch trần, dư mua gần 50 nghìn cp.

Vinaship (VNA) là công ty con của "đại gia" ngành vận tải biển - Tổng CTCP Hàng hải Việt Nam - VIMC (MVN). Được biết, lần chi trả cổ tức (bằng tiền và cổ phiếu) cũng như thưởng cổ phiếu gần nhất được Vinaship thực hiện đã từ tháng 10/2011. Thời điểm đó, công ty thanh toán cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2010 với tỷ lệ 10% cho cổ đông. Với 20 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến phát hành thêm 14 triệu cổ phiếu cho đợt thưởng này. Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng lên mức 340 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Vinaship đạt 594 tỷ đồng doanh thu và 36 tỷ đồng lãi sau thuế. Nhờ 430 tỷ đồng lợi nhuận tích lũy được trong các năm 2021 và 2022 nên tại thời điểm cuối năm 2023, lãi chưa phân phối của công ty ghi nhận mức dương 170 tỷ đồng. Năm 2024, doanh nghiệp thành viên nhà VIMC đặt mục tiêu lãi trước thuế khoảng 58 tỷ đồng - tăng 29% so với năm trước đó.

Trên thị trường chứng khoán hôm nay, cổ phiếu VNA tăng trần lên mức 34.300 đồng. Sau 1,5 tháng, mã này đã tăng 85% đi kèm khối lượng giao dịch tăng mạnh. 

Chứng khoán 21/6: Thưởng tỷ lệ 70% cho cổ đông sau 13 năm, một cổ phiếu vận tải biển bật tăng trần - ảnh 1

Trở lại với diễn biến thị trường hôm nay, mặc dù VN-Index đã có những nhịp bật hồi để tiếp cận mốc 1.290 điểm nhưng lực cầu chưa đủ mạnh để chiến thắng. Thị trường tiếp diễn trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu và đã tạm dừng phiên giao dịch sáng với mức tăng nhẹ nhờ diễn biến khởi sắc của hầu hết các nhóm ngành. Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,28 điểm tương đương 0,02% xuống 1.282,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ đơn vị, giá trị hơn 25 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về khối lượng và 9,98% về giá trị so với phiên hôm qua.

Bộ ba nhóm ngành dẫn dắt thị trường là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều giảm điểm; các nhóm thủy sản, xây dựng cũng điều chỉnh về dưới tham chiếu. Ngược lại, công nghệ thông tin, nhựa - hóa chất, nông nghiệp là các nhóm còn tăng giá.

LPB dẫn đầu đà tăng của thị trường khi đóng góp hơn 1,1 điểm, kết phiên mã này tăng 6,47% lên 28.800 đồng/cổ phiếu. LPB cùng SSB, BID là những mã hiếm hoi trong nhóm ngân hàng kết phiên trog sắc xanh. Ở chiều giảm điểm, VPB, HDB, TCB, ACB là 4 mã tác động tiêu cực đến thị trường khi lấy đi tổng cộng hơn 1 điểm.

Nhóm công nghệ tiếp đà thăng hoa khi có 10 mã kết phiên trong sắc tím là SBD, ONE, SGT, VTC, SRB, CMT, HIG, TEL PIA, PAI. Ông lớn FPT cũng tăng 2,1% lên 136.100 đồng/cổ phiếu và đóng góp 0,9 điểm. Các mã còn lại là ELC, CMG, ITD, ICT, SRA, MFS, ST8, UNI cũng tăng điểm tốt.

Nhóm chứng khoán  phân hóa, tuy nhiên áp lực giảm điểm từ những mã lớn khiến toàn ngành mất đi 0,76%. Trong đó, VNX, VIX, SSI, VCI, FTS, AGR, TVS, VDS, DSC, BSI, IVS, VFS kết phiên trong sắc đỏ. Trái chiều, HCM, MBS, APS, ORS, TVB, CTS, SBS, BVS, HBS kết phiên trong sắc xanh.

Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng thứ 12 trên toàn thị trường với quy mô 1.070 tỷ đồng. Trong đó tập trung ở các mã như FPT (227 tỷ đồng), VND (129 tỷ đồng), VRE (85 tỷ đồng), HPG (gần 64 tỷ đồng)... Tại chiều mua, cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực dẫn đầu với giá trị gom ròng 62,3 tỷ đồng. Theo sau, LPB và CTR được mua ròng lần lượt 43,1 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực cầu còn được ghi nhận ở ELC, PC1, TCH, HCM, CMG, SAB và PLX với quy mô dưới 30 tỷ đồng.