Chứng khoán 2024: Nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường?
(Thị trường tài chính)- Kinh tế vĩ mô hồi phục tích cực trong môi trường lãi suất thấp, thanh khoản dự báo tăng, triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi… là những trợ lực quan trọng để thị trường chứng khoán bứt tốc.
VN-Index kỳ vọng vượt mức 1.300 điểm
Nhìn lại năm 2023, cổ phiếu các công ty chứng khoán đã có một năm ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội, khi có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thị trường. Theo số liệu từ SSI Research, tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu ngành chứng khoán năm 2023 tăng tới 96,3% so với cùng kỳ. Bước sang năm 2024, nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là năm phục hồi đầu tiên của doanh nghiệp, với tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng khoảng 15-16% so với năm 2023.
Việc mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023 sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi của chỉ số VN-Index. Thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ là kênh hút tiền trong năm 2024 khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, lãi suất vẫn đang còn cần thêm thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, quyết tâm nâng hạng TTCK trong năm 2024 của cơ quan quản lý cũng giúp nâng cao kỳ vọng dành cho kênh chứng khoán.
Ngoài ra, việc Chính phủ đã đưa ra nhiều những chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu và hỗ trợ thị trường bất động sản, qua đó củng cố niềm tin nhà đầu tư. Hay các tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới và vĩ mô trong nước sẽ tạo điều kiện cho TTCK ổn định và tăng trưởng. Theo đó, với thị trường thế giới, dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong năm 2024, vào khoảng tháng 5 năm nay. Về yếu tố nội tại của nền kinh tế trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi rõ nét từ tất cả các cấu phần chính của nền kinh tế, ví dụ từ cấu phần sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất cho tới nhóm FDI và xuất nhập khẩu.
Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán DNSE Hồ Sỹ Hòa đưa ra nhận định, tiềm năng cho TTCK Việt Nam là rất lớn, không chỉ trong năm 2024 mà có thể kéo dài đến năm 2025, 2026. Với tổng lợi nhuận DN niêm yết trong năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 15-16%. Với mức định giá thị trường theo P/E khoảng hơn 14 lần, vị chuyên gia đưa ra kịch bản cơ sở rằng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm. Còn trong điều kiện được nâng hạng, VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm.
Cũng có kỳ vọng sáng vào TTCK, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS Trần Hoàng Sơn cho biết, VN-Index đang trong uptrend mới, đến từ hai động lực. Một là định hướng chính sách với động lực tăng trưởng 2 năm tới là câu chuyện nâng hạng thị trường. Hai là đà phục hồi của doanh nghiệp. Ông Sơn dự báo mốc điểm quan trọng mà chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là 1.326-1.350 điểm.
Nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường?
Về nhóm ngành cổ phiếu dẫn dắt thị trường, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS Trần Hoàng Sơn cho rằng có 3 nhóm cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm. Thứ nhất là ngân hàng có vốn hóa lớn tác động lên chỉ số, có những phiên tỷ trọng giao dịch nhóm này chiếm gần 30% tổng thanh khoản thị trường.
Nhóm ngành thứ 2 là chứng khoán, là ngành được nhà đầu tư ưa thích trong năm 2023 đầu 2024 về câu chuyện phục hồi và nâng hạng. Thứ 3 là ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, trong đó có nhóm cổ phiếu thép. Ngoài ra, nhóm xây dựng hạ tầng cũng được chú ý khi đầu tư công được đẩy mạnh. Đây là 3 nhóm ngành dẫn song thu hút dòng tiền.
Còn lại một số nhóm ngành nhỏ nhà đầu tư khá ưa thích như bất động sản khu công nghiệp khi có làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc sang, hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam được bạn bè đánh giá tốt. Điểm thứ ba là giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng. Cuối cùng, một số bạn hàng của Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore quay trở lại đầu tư FDI vào Việt Nam.
Còn theo Giám đốc phân tích cổ phiếu thuộc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI Phạm Huyền Trang, sự phục hồi lợi nhuận DN sẽ phân hóa theo các nhóm ngành. Những nhóm ngành có mức nền thấp năm ngoái như bán lẻ, thép, chứng khoán, xuất khẩu... sẽ tăng trưởng mạnh. Ngược lại, có những nhóm ngành có độ trễ vì phải phụ thuộc vào tình hình vĩ mô như ngân hàng, bất động sản. Bà Trang cũng đánh giá cao nhóm bất động sản khu công nghiệp với tình hình thu hút FDI khả quan của Việt Nam.
Chuyên gia đến từ DNSE - ông Hồ Sỹ Hòa thì cho rằng, định giá nhóm vốn hóa lớn đang rẻ hơn nhóm vốn hóa vừa. Vì vậy, xu hướng đầu tư ông Hòa chọn là nhóm vốn hóa lớn trước, từ đó tiếp tục chọn lọc các nhóm ngành cụ thể.
Theo ông Hòa, trong khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều vì lãi suất đã giảm mạnh thì dư địa cho chính sách tài khóa ngược lại, khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5%. Vì vậy, ông Hòa lựa chọn các nhóm ngành được đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là đầu tư công - mũi nhọn để tăng trưởng GDP. Vị chuyên gia cũng đánh giá cao nhóm ngành chứng khoán, được hưởng lợi bởi môi trường lãi suất thấp và câu chuyện nâng hạng thị trường.