Chứng khoán 19/7: Công bố lợi nhuận quý II giảm 78%, cổ phiếu 1 công ty chứng khoán bị bán tháo dữ dội
(Thị trường tài chính) - Sau khi công bố lợi nhuận sau thuế Quý II giảm 78% so với cùng kỳ, cổ đông thi nhau bán tháo cổ phiếu VIX của CTCP Chứng khoán VIX.
Chỉ trong phiên hôm nay, hơn 55 triệu cổ phiếu VIX đã được cổ đông sang tay ở mức sàn 15.800 đồng/cp. Trong đó khối lượng mua chủ động là 21,7 triệu cổ phiếu, trong khi đó khối lượng bán chủ động là 33,5 triệu cổ phiếu. Kết phiên 19/7, vẫn còn 1,6 triệu cổ phiếu VIX dư bán, trắng bên mua.
Cổ phiếu này bị bán tháo mạnh sau khi CTCP Chứng khoán VIX công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu hoạt động 378,8 tỷ đồng (-45% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 123,8 tỷ đồng (-78% YoY). Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động 739,4 tỷ đồng (-23% YoY) và lãi sau thuế 285,7 tỷ đồng (-50% YoY). Năm 2024, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.056 tỷ đồng (+9% YoY) và mới chỉ hoàn thành được 27% kế hoạch sau 6 tháng.
So với đầu năm, cổ phiếu này gần như rất ít biến động. Trong tháng, VIX ghi nhận giảm hơn 12%.
Mới đây, VIX được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phát hành và chào bán 789,9 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ thêm 7.898,6 tỷ đồng. Trong đó, công ty sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu và ESOP cho cán bộ nhân viên tổng 686 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp, số tiền huy động là 6.559,7 tỷ đồng sẽ dùng 50% vào hoạt động tự doanh và 50% vào hoạt động cho vay ký quỹ.
Trở lại với diễn biến thị trường, sau một vài phiên chống cự, VN-Index đã không thể trụ vững và quay đầu lao dốc trong phiên hôm nay 19/7. Kết phiên, VN-Index giảm 9,66 điểm tương đương 0,78% xuống còn 1.264,78 điểm. Thanh khoản đạt 20,6 nghìn tỷ trên toàn thị trường.
Nhiều cổ phiếu trong tình trạng giảm sàn, cận sàn với thanh khoản lớn như VOS (-6,2%), POW (-6,3%); nhóm VIX, HVN giảm hết biên độ. Hàng loạt midcap như DIG, PDR, NVL, DXG, HAG, NKG, HSG, BCG, CII, DCM cũng chịu áp lực bán mạnh.
Cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cũng giảm kịch sàn, xuống mức 9.070 đồng/cổ phiếu. Hiện dư bán cổ phiếu này đang ở mức 3,5 triệu đơn vị và trắng bên mua. Diễn biến lao dốc của cổ phiếu QCG xảy ra sau khi có thông tin cơ quan công an, viện kiểm sát đang làm việc tại nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc của Quốc Cường Gia Lai vào sáng cùng ngày. Nhìn lại cổ phiếu QCG, hồi đầu tháng 2, cổ phiếu này chỉ có giá hơn 8.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến giữa tháng 4/2024, cổ phiếu QCG đã tăng một mạch và chạm đến gần 19.000 đồng/cổ phiếu - cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Như vậy, chưa đầy 2 tháng, cổ phiếu QCG đã tăng giá gấp 2 lần. Đáng chú ý, đà tăng của cổ phiếu QCG bất chấp thị trường lao dốc mạnh và Tòa án nhân dân TP HCM buộc công ty này hoàn trả số tiền hơn 2.800 tỉ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan.
Thị trường trông chờ vào sức kéo từ một số mã ngân hàng, tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực mua càng yếu khiến thị trường giảm điểm. Nếu như MBB, VHM, ACB là các cổ phiếu diễn biến tích cực đóng góp 1,4 điểm vào chỉ số chung, thì ở chiều ngược lại chỉ 1 mã GVR đã lấy đi số điểm này. Cổ phiếu GVR luôn gây áp lực cho thị trường trong vài phiên trở lại đây sau thông tin vụ khởi tố mới đây nhất liên quan đến công ty này.
Ngành sản xuất nhựa - hóa chất có mức giảm mạnh nhất thị trường với -2.91% ngoài mã GVR (-4,3%), còn có DGC (-1,38%), DCM (-2,1%) và DPM (-1,11%). Theo sau là ngành vận tải - kho bãi và ngành chăm sóc sức khỏe với mức giảm lần lượt là 2,45% và 2,23%.
Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ là ngành có sự phục hồi mạnh với 0,69% chủ yếu đến từ các mã MWG (+0,92%), FRT (+1,15%), CTF (+1,6%) và CCI (+2,68%). Một vài mã tăng như các mã ngân hàng MBB (+2%), TPB (+2,2%), MSB (+1,4%), OCB (+3,8%), ACB (+1,2%).
Về giao dịch khối ngoại, nhóm này quay đầu bán ròng gần 303 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi mua ròng mạnh 2 phiên trước đó.
Tại chiều bán, cổ phiếu FPT bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 228 tỷ đồng. Theo sau, hai cổ phiếu VHM và TCB chịu áp lực bán mạnh của khối ngoại với giá trị lần lượt 159 và 105 tỷ đồng, MSN và HSG cũng bị "xả" 93 tỷ đồng và 66 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu SBT là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 419 tỷ đồng. Theo sau, MWG cũng được mua ròng tới 177 tỷ. Các mã tiếp theo được mua ròng với giá trị một vài tỷ đồng bao gồm: VND, CCQ FUEVFVND, HPG.