Chứng khoán 18/6: Kinh doanh tốt, cổ phiếu FPT vẫn bị khối ngoại xả “rát mặt” nhiều phiên liên tiếp
(Thị trường tài chính) - Những phiên gần đây, mặc dù được đánh giá là cổ phiếu tiềm năng nhất trong ngành công nghệ với doanh thu ấn tượng, cổ phiếu FPT vẫn bị khối ngoại xả "rát mặt" sau khi lên đỉnh.
Sau 2 phiên bị chốt lời dữ dội, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phát tín hiệu phục hồi. Phe bán có xu hướng hạ nhiệt, qua đó tạo điều kiện cho dòng tiền bắt đáy kéo chỉ số gần trở về mốc 1.280 điểm. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay ngày 18/6, VN-Index tăng 4,73 điểm, tương đương 0,37% lên 1.279,5 điểm.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 9 liên tiếp với giá trị 656 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.420 tỷ đồng và bán ra 2.076 tỷ đồng, trong đó tập trung mua cổ phiếu HSG với giá trị đạt 45,74 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 1,82 triệu đơn vị. Tuy nhiên, POW là cổ phiếu dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng với 2,33 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 34,23 tỷ đồng.
Trái lại, cổ phiếu FPT trở lại vị trí dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh với giá trị lên tới 301,33 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 2,34 triệu đơn vị. Trong tuần trước, FPT cũng chịu áp lực bán ròng mạnh nhất, với 5,5 triệu đơn vị được khối ngoại "xả bán" ra thị trường. Lượng cổ phiếu này tương đương 721,7 tỷ đồng. Thống kê tổng thể trong một tháng vừa qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng cổ phiếu FPT.
Cổ phiếu FPT bị bán ròng trong bối cảnh công ty này vừa công bố tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 với tổng doanh thu 23.916 tỷ đồng và lãi trước thuế 4.313 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng đạt 3.052 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Với kết quả này, sau 5 tháng, Tập đoàn thực hiện được 39% chỉ tiêu doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận năm.
Việc xả bán lượng lớn cổ phiếu FPT ngay thời điểm giá cổ phiếu đạt đỉnh 132.000 đồng/cổ phiếu có thể là động thái chốt lời của nhóm cổ đông nước ngoài. Theo nhiều chuyên gia, điều này có thể gây sụt giảm giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Quay trở lại với diễn biến thị trường hôm nay, nhóm kéo chỉ số chủ yếu là các cổ phiếu có câu chuyện riêng như DGC (tăng trần), HVN (+3,5%), GVR (+1,8%), POW (tăng trần), PLX (+2,8%), GAS (+0,5%), PGV (+3,5%), REE (+3,1%), BVH (+2,5%), SSB (+1,3%). Mặt khác, nhóm ghìm chân VN-Index gồm những cái tên như CTG (-1,2%), VPB (-0,8%), FPT (-0,6%), MSN (-1,4%), VND (-1,7%), EIB (-1,1%), FRT (-1,2%), LPB (-0,4%), HDG (-2,6%).
Các nhóm ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như bất động sản và ngân hàng phân hóa mạnh mẽ. Trong khi đó, cổ phiếu bảo hiểm ghi nhận sự bứt phá của một số mã như BVH (+2,5%) hay PGI (+5%).
Hóa chất là nhóm có mức tăng ấn tượng nhất hôm nay, nổi bật là DGC xuất hiện kỷ lục thanh khoản hôm nay với 13,6 triệu cổ phiếu trị giá trên 1.730 tỷ đồng, giá tăng kịch trần. Phiên tăng hôm nay cũng đưa DGC quay lại đỉnh cao lịch sử tại mốc 130.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá DGC tăng 38%, vốn hóa thị trường theo đó tăng thêm 13.500 tỷ lên gần 49.400 tỷ đồng
Ngoài những mã nằm trong nhóm kéo chỉ số, nhóm hóa chất, cao su có các cổ phiếu DCM (+1,7%), BMP (+1,1%), PHR (+2,5%), APH (+2,2%), DRC (+1,5%), CSM (+0,6%) cũng có biên độ tăng trưởng tốt.
Toàn sàn hôm nay có 269 mã tăng và 151 mã giảm, 72 mã đứng giá. Thanh khoản toàn thị trường không có nhiều thay đổi so với phiên hôm qua, đạt gần 25.400 tỷ đồng.