HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chứng khoán 17/6: Thị trường giảm điểm, cổ phiếu họ Viettel vẫn “làm mưa làm gió”

Hương Trang

(Thị trường tài chính) - Bất chấp thị trường tăng hay giảm, cổ phiếu "họ" Viettel như VGI, VTK, hay CTR đều vẫn ngược dòng tăng mạnh. Phiên hôm nay 17/6 cũng không ngoại lệ.

Trong 2 phiên gần đây nhất, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 30 điểm từ mốc 1.305 xuống vùng 1.274 điểm. Riêng trong phiên hôm nay 17/6, VN-Index giảm hơn 5 điểm, với thanh khoản đạt gần 26 nghìn tỷ đồng.

Chứng khoán 17/6: Thị trường giảm điểm, cổ phiếu họ Viettel vẫn “làm mưa làm gió” - ảnh 1

Bất chấp sự tiêu cực của thị trường chung, nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn tiếp tục đà tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Kết phiên 17/6, loạt cổ phiếu này tiếp tục vượt đỉnh lịch sử như MFS tăng trần, VGI (+10,54%), VTK (+7,54%), FOX (+3%), FOC (+8,64%), CTR (+2,1%). Đặc biệt là "họ" cổ phiếu Viettel.

Bất chấp các phiên thị trường đỏ lửa, các cổ phiếu có liên quan đến Viettel như VGI, VTK, VTP hay CTR, vẫn ngược dòng liên tục tăng giá mạnh. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến hết phiên 17/6, nhóm cổ phiếu này đã có mức tăng “bằng lần” và đều đang ở vùng giá cao nhất lịch sử, ngoại trừ VTP. Hay như trong phiên giao dịch 17/6, khi thị trường diễn biến khá giằng co, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo ở thị trường thì nhóm cổ phiếu “họ" Viettel tiếp tục nổi bật với đà tăng mạnh. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách lớn nhất khối doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng trong 5 tháng đầu năm 2024. 

Cụ thể, Viettel đạt 74.933 tỷ đồng doanh thu hợp nhất trong 5 tháng, tương ứng bình quân mỗi ngày thu gần 500 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 19.723 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 22.387 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5/2024, Viettel thực hiện đầu tư 13.410 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, trong đó công ty mẹ thực hiện 7.144 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch.

Bên cạnh kết quả kinh doanh, sóng cổ phiếu “họ" Viettel còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác. Xét về cơ cấu cổ đông, có thể thấy số lượng cổ phiếu lưu hành của nhóm Viettel đang thấp, do vậy khi dòng tiền vào lớn sẽ làm giá cổ phiếu tăng nhanh và mạnh hơn.  Thứ 2 là yếu tố dòng tiền đầu cơ và sự yên tâm của trader khi vào nhóm Viettel với sư kỳ vọng trong nhiều năm tới kinh doanh và định giá bùng nổ, giá cổ phiếu thường sẽ chiết khấu từ tương lai về hiện tại. Và cuối cùng là tâm lý FOMO sợ bỏ lỡ sóng công nghệ của nhà đầu tư. Từ đầu năm 2024 đến nay, sóng ngành công nghệ trên toàn cầu và cả trong nước đang dẫn dắt thị trường, nên việc cổ phiếu nhóm Viettel tăng mạnh đang thể hiện điều đó.

Quay trở lại với diễn biến thị trường hôm nay có thể thấy sự phân hóa khá rõ nét. Trong đó, dòng tiền tìm đến nhóm thép nhờ động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Nổi bật là HSG tăng trần với thanh khoản kỷ lục đạt 43 triệu đơn vị giao dịch, tiếp đến là SMC tăng hết biên độ, GDA (+5,4%), NKG (+4,3%), HPG (+1,2%)...

Mặc dù bị “hụt hơi” so với phiên sáng, song nhóm vận tải biển ghi nhận mức tăng tích cực bất chấp thị trường đang điều chỉnh. Đáng chú ý là VOS (+6,5%), HAH (+4,6%), VSC (+1,4%)...

Ở chiều ngược lại, loạt bất động sản bất ngờ bị bán mạnh vào cuối phiên, đưa thị giá cổ phiếu về mức thấp nhất, đáng chú ý là NLG (-2,6%), PDR (-2,4%), DIG (-1,5%), TCH (-1,6%)...

Khối ngoại duy trì động thái bán ròng với hơn 786 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, FPT, VHM, VNM… Tại chiều mua, cổ phiếu HSG là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 107 tỷ đồng. Theo sau, SAB và NKG là hai mã tiếp theo được gom 90 và 45 tỷ đồng. Ngoài ra, EVF và CTR cũng được mua 42  và 37 tỷ đồng. Ngược lại, HPG chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với hơn 147 tỷ đồng, FPT và MWG cũng bị "xả" 111 tỷ đồng và 102 tỷ đồng.