Chứng khoán 14/5: Khối ngoại mạnh tay gom 13 phiên liên tiếp, cổ phiếu Thế Giới Di Động lên đỉnh sau 2 năm
(Thị trường tài chính) - Cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động lên vùng cao nhất trong vòng gần 2 năm sau khi được khối ngoại mạnh tay gom 13 phiên liên tiếp.
Trong phiên hôm nay 14/5, khối ngoại bán ròng 800 tỷ trên toàn thị trường, đây là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp kể từ phiên mua ròng gần đây nhất của khối này. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại là VHM với giá trị 148 tỷ đồng, tiếp đó là VPB (100 tỷ đồng) và HPG (94 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, MWG tiếp tục là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với giá trị 220 tỷ đồng, tiếp đó là HVN 60 tỷ đồng, VNM 37 tỷ đồng...
Đây là phiên mua ròng thứ 13 liên tiếp của khối ngoại đối với mã MWG của Thế Giới Di Động. Từ đầu tháng đến nay, khối này đã chi hơn 1,3 nghìn tỷ để gom cổ phiếu bán lẻ này.
Sức mua của khối ngoại đã đẩy giá cổ phiếu MWG tăng 3,09% trong phiên hôm nay lên 60.100 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong gần 2 năm qua.
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh tháng 4/2024, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu sơ bộ đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2023 và tăng 17% so với tháng trước. Trong tháng 4, doanh thu các chuỗi đều ghi nhận tăng trưởng khả quan so với tháng trước, một phần do nhu cầu mua sắm chủa khách hàng tăng trong các ngày nghỉ lễ.
Trong đó, doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) đạt khoảng 7.900 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ nhờ đóng góp tích cực từ các sản phẩm điện máy. Đáng chú ý, doanh thu của Bách Hóa Xanh (BHX) đã vượt 3.200 tỷ đồng trong tháng 4, tăng 40% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu bình quân đạt xấp xỉ 1,9 tỷ đồng/cửa hàng. Đây là mức doanh thu bình quân trên/cửa hàng cao nhất trong một tháng mà BHX từng đạt được kể từ khi hoạt động. Với con số này, nhiều khả năng chuỗi bách hóa của MWG đã có lãi trong tháng 4 bởi nhiều công ty chứng khoán từng đưa ra dự báo mức 1,8 tỷ đồng/cửa hàng là điểm hòa vốn đối với BHX.
Trở lại với diễn biến thị trường hôm nay, dòng tiền nhập cuộc phiên chiều kém hứng khởi hơn so với đầu phiên sáng. Chỉ số VN-Index giằng co mạnh hơn, song vẫn giữ được sắc xanh đến cuối phiên, dừng ở mức 1,243.28 điểm, tăng hơn 3 điểm so với phiên trước.
Số ngành giảm điểm áp đảo số ngành tăng điểm. Kết phiên ngày 14/05, có 13 nhóm ngành giảm điểm; trong đó có các ngành đáng chú ý như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, xây dựng, vật liệu xây dựng.
Ngược lại, có 12 ngành tăng điểm; trong đó bán lẻ có mức tăng ấn tượng hơn 2%, ngành cao su cũng lấy lại đà tăng 1,86%; kế đến là sản xuất nhựa – hóa chất, công nghệ thông tin, chế biến thủy sản, chăm sóc sức khỏe đều tăng hơn 1%; ngành bất động sản tăng 0,92% so với phiên trước.
VIC vẫn là cổ phiếu dẫn đầu nhóm tác động tích cực đến VN-Index khi mang về cho chỉ số chung 1 điểm, HVN tác động tích cực thứ 2 đến chỉ số khi mang về 0,68 điểm, theo sau đó là MWG. Bộ ba cổ phiếu ngân hàng là BID, VCB, TCB trở thành cổ phiếu tiêu cực khi lấy đi của chỉ số chung 1,6 điểm.
Nhóm chứng khoán diễn biến khá phân hóa, nhiều cổ phiếu đứng giá như ORS, APG, VDS, ABW. Trong khi VCI, VND, VIX, FTS và MBS đều giảm điểm. HCM, BSI tăng nhẹ.
Cổ phiếu bán lẻ dẫn đầu là MWG tăng hơn 3%, ngoài ra FRT cũng tăng 0,93%. PNJ ngược chiều giảm.
Cổ phiếu công nghệ cũng tăng mạnh: Dẫn đầu là CMC tăng kịch trần, FPT, CRT, ELC, VGI đều tăng.
Các cổ phiếu họ APEC với IDJ, API, APS vẫn giữ được màu tím.
Toàn thị trường hôm nay có 377 mã tăng, 337 mã giảm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, đạt chưa đến 18 nghìn tỷ đồng.