Chứng khoán 12/3: Cổ đông xếp hàng đặt lệnh mua, cổ phiếu Viettel Post “trần cứng” trong ngày đầu lên sàn
(Thị trường tài chính) - Ngay từ khi ghi tên lên bảng điện, cổ phiếu VTP của Viettelpost đã tăng kịch trần lên mức giá 78.400 đồng/cổ phiếu và vẫn duy trì trạng thái kịch trần đến hết phiên giao dịch.
Sáng 12/3, gần 122 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post - mã chứng khoán: VTP) đã chính thức chào sàn HOSE với giá tham chiếu 65.400 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động +/-20%. Ngay từ khi ghi tên lên bảng điện, cổ phiếu VTP đã tăng kịch trần lên mức giá 78.400 đồng/cổ phiếu và vẫn duy trì đến hết phiên giao dịch. Khối lượng giao dịch đạt 722.400 cổ phiếu, tương ứng với giá trị giao dịch khoảng 56 tỷ đồng. Với mức giá này, vốn hóa của Viettel Post trên thị trường hiện đạt gần 9.550 tỷ đồng. Kết phiên giao dịch, cổ phiếu này vẫn dư mua ở mức giá trần hơn 1,6 triệu đơn vị.
Trở lại với thị trường chứng khoán hôm nay, VN-Index kết phiên 12/3 tăng trở lại với biên độ 9,5 điểm lên mức 1.245. HNX-Index tăng 0,19 điểm và UPCoM-Index tăng 0,11 điểm. Sắc xanh lấn lướt trên cả 3 sàn trong đó có 27 mã tăng trần. BID và GVR là 2 cổ phiếu đầu tàu cống hiến cho Vn-Index 4,2 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 23.200 tỷ đồng; dòng tiền tăng mạnh ở nhóm viễn thông và hóa chất. Các nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản vẫn được sang tay hàng nghìn tỷ. Thanh khoản ở nhóm bán lẻ cũng tăng đáng kể, đạt 1.560 tỷ đồng.
Cổ phiếu cao su là tâm điểm chú ý phiên hôm nay khi GVR tăng kịch trần sau thông tin Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) muốn thoái vốn tại các đơn vị không nắm cổ phần chi phối. Trong số các đơn vị này có Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (HoSE: SIP), hệ quả là thị giá SIP cũng vọt lên mốc kịch trần. Trên sàn UPCoM, cổ phiếu VRG của Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam thậm chí tăng tới hơn 11%. Nhiều cổ phiếu cao su khác cũng tăng mạnh như DPR tăng kịch trần, TRC tăng 3,78%, PHR tăng 2,55%.
Cổ phiếu chứng khoán phân hóa. Cụ thể, SSI giảm 0,14%, VND giảm 1,31%, VIX giảm 3,09%, CTS giảm 0,41%, AGR giảm 1,42% nhưng VCI lại tăng 1,36%, HCM tăng 0,9%, FTS tăng 0,99%, BSI tăng 1,74%, VDS tăng 0,74%.
Tình hình tương tự xảy ra ở nhóm bất động sản. Trong khi VHM tăng 0,35%, BCM tăng 1,19%, VRE tăng 2,86%, NLG tăng 1,43% thì VIC giảm 0,45%, KBC giảm 0,31%, DXG giảm 1,41%, LGC giảm kịch sàn.
Cổ phiếu ngân hàng BID tăng 2,97%, CTG tăng 1,02%, TCB tăng 1,98%, LPB tăng 1,81%, EIB tăng 1,11%, OCB tăng 1,03% trong khi VPB, ACB, VIB, TPB, SSB, MSB, NAB đều đứng giá tham chiếu.
Nhiều cổ phiếu bán lẻ chịu áp lực bán cuối phiên và thu hẹp biên độ như MWG tăng 0,8%), FRT tiếp tục tăng 2,3%; cổ phiếu PET tăng 4,1% trong khi DGW vẫn giữ được sắc tím.
Hôm nay khối ngoại quay trở lại bán ròng 237 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó VIX, MWG là tâm điểm bán về khối lượng (từ 5-8 triệu cp). MWG bị xả 262 tỷ đồng, VIX bị xả 145 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, EIB được khối ngoại mua nhiều nhất phiên với 70 tỷ đồng, HAH được khối ngoại mua 64 tỷ đồng, VRE 57 tỷ đồng.