BAF dự kiến huy động hơn 1.000 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ
(Thị trường tài chính) - Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, với nội dung chính liên quan đến kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ.
Theo kế hoạch, BAF dự kiến phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 15.500 đồng/cổ phiếu, dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mà không giới hạn số lượng. Quá trình phát hành dự kiến sẽ diễn ra trong giai đoạn 2024 - 2025, sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý.
Số tiền huy động được, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, sẽ được công ty sử dụng vào hai mục tiêu chính: gần 558 tỷ đồng để mua cám, phụ gia và nguyên liệu phục vụ các trang trại nuôi heo; và 450 tỷ đồng để mua heo giống, heo cai sữa và heo hậu bị nhằm phục vụ hoạt động chăn nuôi.
Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của BAF sẽ tăng từ mức hiện tại 2.390 tỷ đồng lên 3.040 tỷ đồng.
Kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE vào tháng 12/2021, BAF đã liên tục thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 780 tỷ đồng ban đầu lên 2.390 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào đầu tháng 7/2024, BAF đã hoàn thành đợt phát hành 68,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động thành công 684 tỷ đồng.
Trong tờ trình gửi cổ đông, BAF giải thích rằng việc tăng vốn là cần thiết để hỗ trợ cho quá trình đầu tư mở rộng hệ thống trang trại chăn nuôi. Hiện tại, công ty đang vận hành một hệ thống chăn nuôi bài bản với quy mô lớn, bao gồm 11.000 heo nái ông bà và cụ kỵ, cùng với hơn 38.000 heo nái bố mẹ, tương đương với 1 triệu heo thịt và heo nái hậu bị.
BAF đang sở hữu 36 trang trại nuôi heo thịt và heo giống hiện đại. Mục tiêu của công ty là đến năm 2025 sẽ đạt sản lượng 1,5 triệu con heo thịt thương phẩm bán ra thị trường, và đến năm 2030 sẽ đạt 10 triệu con. Đàn heo nái dự kiến sẽ đạt 400.000 con vào năm 2030, giúp BAF trở thành một trong ba doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, BAF cho rằng cần nhanh chóng mở rộng hệ thống chuồng trại, đầu tư vào đàn heo nái và heo thịt, đồng thời tăng cường mua nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động chăn nuôi.
“Việc tăng vốn điều lệ là cấp thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực tài chính, hoạt động và khả năng cạnh tranh của BAF trong thời gian tới,” công ty nhấn mạnh trong tờ trình gửi cổ đông.