Mạnh tay với nợ bảo hiểm xã hội
Thitruongtaichinh - Tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) phải tính lãi của Hà Nội trong năm 2023 thấp nhất từ trước đến nay, nhưng số tiền khó thu hồi còn cao.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có phương án giải quyết, không để kéo dài từ năm này sang năm khác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo BHXH Hà Nội, tính hết năm 2023, toàn TP còn hơn 53.000 đơn vị, DN chậm đóng BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 600.000 người lao động với tổng số tiền 4.260 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là gần 1.538 tỷ đồng, bằng 2,3% tổng số tiền cần thu, thấp nhất từ trước đến nay.
Thế nhưng, việc thu hồi số tiền chậm đóng, nợ đọng, trốn đóng tại Hà Nội vẫn là vấn đề nan giải khi còn gần 15.500 đơn vị có tên trên danh sách nợ đã phá sản, giải thể, dừng sản xuất, kinh doanh hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích. Nhiều năm qua, vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa được xử lý hiệu quả mặc dù đã được cơ quan chức năng “điểm mặt chỉ tên”.
Đáng nói, tình trạng này diễn ra với muôn hình vạn trạng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Dù Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), song tình trạng chậm đóng vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa có giải pháp xử lý triệt để, nguyên nhân một phần do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Nhưng đến nay các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào. Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc từ các quy định của pháp luật hiện hành, khiến các cơ quan chức năng thiếu căn cứ xử lý.
Đã đến lúc cần giải pháp mạnh tay, cụ thể để giảm tình trạng vi phạm về đóng, nộp BHXH. Để xử lý vấn đề này cần hoàn thiện Luật BHXH với những chế tài “mạnh” để răn đe, ngăn chặn, xử lý; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Không chỉ vậy, cơ quan Nhà nước có quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ Luật Hình sự, không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, BHXH và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định.
Cùng với đó, Chính phủ nên đưa vào luật với các điều khoản để ngăn chặn, đồng thời yêu cầu các DN phải có quỹ phòng. Khi xảy ra sự cố thì có tiền đền bù cho người lao động. Đặc biệt, dự thảo Luật BHXH có thể nghiên cứu đến giải pháp mạnh tay, ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc từ 6 tháng trở lên. Liên thông dữ liệu thuế và BHXH để đơn vị nào trốn đóng BHXH thì phạt nặng như trốn thuế.
Tuy nhiên, các chế tài đưa ra nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, xem xét một cách thấu đáo để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Việc xây dựng các quy định mới phải được đánh giá tác động một cách thận trọng.