HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Công nhân lao động ở Tiền Giang đề nghị xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Theo Lao Động

Công nhân lao động (CNLĐ) ở tỉnh Tiền Giang đề nghị việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này phải khắc phục được và xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Ngày 7/5, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang với công nhân lao động.

Tại hội nghị, các cử tri công nhân lao động, cán bộ công đoàn đã nêu ý kiến về các vấn đề như: tín dụng đen, đóng góp dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, góp ý dự thảo Luật Công đoàn, xử lý các doanh nghiệp trốn, chậm, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Thành Nhân
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Thành Nhân

Chị Lê Thị Bích Tuyền - công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay tình trạng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn đang diễn ra, làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người lao động.

Chị Tuyền đề nghị việc sửa luật lần này phải khắc phục được tình trạng nêu trên, xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi của người lao động trong việc tham gia bảo hiểm xã hội.

Chị Lê Thị Bích Tuyền – làm việc tại công ty TNHH Giày Apache Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Nhân
Chị Lê Thị Bích Tuyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Nhân
Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Nhu - Phó Trưởng phòng Quản lý thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang) - trả lời các ý kiến của cử tri công nhân lao động. Ảnh: Thành Nhân
Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Nhu - Phó Trưởng phòng Quản lý thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang) - trả lời các ý kiến của cử tri công nhân lao động. Ảnh: Thành Nhân

Trả lời các ý kiến của cử tri đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Nhu - Phó Trưởng phòng Quản lý thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay công tác xử lý đối với các doanh nghiệp trốn, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đang gặp khó khăn.

Việc không có văn bản quy định rõ thế nào là trốn đóng bảo hiểm xã hội nên không có cơ sở xác định lỗi để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng làm cơ sở tiền đề cho để xử lý hình sự.

Ngoài ra, hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ yếu tố cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy các doanh nghiệp chậm đóng số tiền lớn, kéo dài vẫn chưa bị xử lý hình sự. Đồng thời, chưa có quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người quản lý, điều hành, người đại diện pháp luật của đơn vị sử dụng lao động.

Theo bà Nhu, trong dự thảo bảo hiểm xã hội sửa đổi mới đây đã góp ý để trình Quốc hội xem xét để quy định rõ và xử lý các hành vi trên.

Trao quà cho công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Long Giang. Ảnh: Thành Nhân
Trao quà cho công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Long Giang. Ảnh: Thành Nhân

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, ông Tạ Minh Tâm - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang - tiếp thu các ý kiến phản ánh của cử tri, nghiên cứu và nhóm các vấn đề để tham gia đóng góp trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội nhằm bảo đảm quyền lợi cho công nhân lao động.

Dịp này, Ban tổ chức đã trao 100 phần quà (mỗi phần quà 1 triệu đồng tiền mặt) cho công nhân lao động.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 31.3.2024, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) là 1.667 đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền hơn 139,6 tỉ đồng. Trong đó, có 1.441 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN dưới 6 tháng trở xuống, với số tiền là hơn 72,8 tỉ đồng. Có 226 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLD-BNN từ 6 tháng trở lên, với số tiền là hơn 66,8 tỉ đồng.